Nguy cơ tăng cao ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc dịp cuối năm, chuyên gia cảnh báo gì để tránh biến chứng với cơ thể?
Hậu quả của việc tiêu thụ rượu không rõ nguồn gốc, rượu giả, hoặc rượu tự nấu không được kiểm định an toàn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội.
Tổn thương não vì ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp
Cứ vào dịp cuối năm, giáp Tết, nhu cầu tiêu thụ rượu, thực phẩm lại tăng cao, bởi đây là thời điểm tổ chức những bữa tiệc liên hoan, hội họp, tổng kết, tất niên... Kéo theo đó, số lượng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do sử dụng rượu, thực phẩm kém chất lượng cũng gia tăng.
Được biết, thời gian qua, Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc rượu với con số tử vong lên tới hàng chục người. Trong đó, đa phần là do lạm dụng các loại rượu nấu, rượu ngâm theo phương pháp thủ công không rõ nguồn gốc.
Đơn cử, hồi tháng 7/2024, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 4 trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol sau khi uống rượu tại một đám cưới. Trước khi nhập viện khoảng 2 ngày, 4 bệnh nhân có uống rượu tại 1 đám cưới ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Sau khi uống rượu, các bệnh nhân có biểu hiện mệt nhiều, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay run. Có bệnh nhân xuất hiện biểu hiện khó thở.
Trong mâm cỗ đám cưới có 5 người uống nhiều rượu nhất thì đều phải nhập viện. Trong đó có 1 người đã tử vong trước khi vào viện. 4 bệnh nhân nêu trên nhập viện trong tình trạng đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu rất cao. Bên cạnh tổn thương mắt, 4 bệnh nhân cũng có nguy cơ tổn thương não.
Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống trong đám cưới cho thấy, nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%. Trong khi đó với loại rượu thông thường nồng độ ethanol chỉ có 14%.
Thông tin trên báo chí, TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đa số trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần, trôi nổi ngoài thị trường. Những loại rượu này bị người sản xuất pha cồn công nghiệp vào để kiếm lợi nhuận.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay, số ca ngộ độc rượu thường có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm, trước và sau Tết Nguyên đán. Điều đáng nói, ngộ độc methanol do uống phải rượu giả khiến người uống không biết và nghĩ rằng bị say rượu. Thậm chí, biểu hiện khi ngộ độc rượu methanol lại chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt. Mặc dù được điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong vẫn chiếm 30 - 50%. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt, hoặc di chứng ở não, gan.
Mặt khác, có những ca nặng, dù được cứu sống nhưng việc điều trị rất khó khăn. Ngoài thở máy, bệnh nhân phải lọc máu liên tục kèm với các giải pháp lọc độc chất, chi phí điều trị có thể tốn hàng trăm triệu đồng.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).
Trong 1 đơn vị rượu thường có từ 8 - 14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương 1 lon bia 270 - 330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9 - 18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, ỉa chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần… Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Theo các bác sỹ tại Khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Bạch Mai, ngoài nguy cơ của rượu chứa cồn công nghiệp, thì việc uống quá nhiều rượu cũng gây những tác hại nặng nề. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, việc tiêu thụ rượu quá mức gây teo não và thoái hóa tế bào thần kinh. Thể tích chất trắng vùng đồi thị và thể tích chất xám vùng tiểu não giảm rõ rệt ở những người lạm dụng rượu.
Tuyệt đối không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, trôi nổi
Theo các chuyên gia, việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là Ethanol) bằng cảm quan bên ngoài là rất khó. Chỉ có 1 điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1 - 2 ngày sau khi uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a xít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người say vẫn nhận biết được thì nên cho ăn uống thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng, nếu không dễ bị hạ đường huyết. Đồng thời, gia đình cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng ở người thân để đưa đi cấp cứu kịp thời.
Chẳng hạn, nếu uống phải rượu methanol, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nhức đầu, lơ mơ, mất tri giác, mất thị lực, hôn mê. Các triệu chứng trên thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch sau 1 ngày. Nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao, trường hợp được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Ngoài ra, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol, đặc biệt là với các đối tượng có tiền sử nghiện rượu; cấp cứu, điều trị kịp thời để tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân.
Cùng đó, phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Song song đó, tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu; tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.
- Nhiều người nguy kịch vì ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
- Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm ngộ độc rượu những ngày gần Tết
- Ngộ độc rượu ở người lớn và tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ tăng cao dịp Tết
- Loạt website, fanpage quảng cáo sữa hạt Hào Kim đặc trị bệnh dạ dày, có công dụng như thuốc chữa bệnh
- Sữa Emilax Sure được quảng cáo như “thần dược” bổ não, trẻ hoá não bộ, người tiêu dùng hãy cẩn trọng
- Bị thu hồi do mỹ phẩm kém chất lượng, sản phẩm của Vương Kim Long vẫn tiếp tục được bán trên các sàn thương mại điện tử