Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 26/07/2024, 15:50 (GMT+7)

Nhiều người nguy kịch vì ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu dừng lưu thông ngay và truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc cho 5 người ở Hà Nội và Thái Nguyên.

Ngộ độc rượu chứa methanol, nguy cơ tổn thương mắt và não

Thông tin trên Cổng thông tin điện tử Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đơn vị vừa nhận được thông tin từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai về 5 trường hợp đang cấp cứu, điều trị tại trung tâm do ngộ độc methanol, trong đó có 1 trường hợp từ Thái Nguyên và 4 trường hợp từ huyện Thường Tín (Hà Nội). Cả 5 bệnh nhân này đều cùng uống 1 loại rượu từ Thái Nguyên.

Liên quan đến sự việc này, trước đó, thông tin trên báo chí, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viên Bạch Mai cho biết, trong 5 bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại trung tâm, thì 4 ca ở Thường Tín (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu rất cao. Bên cạnh tổn thương mắt, các bệnh nhân cũng có nguy cơ tổn thương não.

ngodoc
4 bệnh nhân đang điều trị ngộ độc methanol tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Internet.

Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống trong đám cưới tại Thường Tín khiến 4 người ngộ độc cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%. Trường hợp còn lại là nam bệnh nhân ở Thái Nguyên nhập viện trong tình trạng hôn mê, đang phải thở máy, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, lượng cồn công nghiệp methanol trong máu rất cao. Loại rượu bệnh nhân này uống nghi ngờ cùng nguồn với 4 bệnh nhân nêu trên.

Theo Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, methanol (cồn công nghiệp) khi vào cơ thể chuyển hóa thành a xít formic (chất gây tổn thương não, mù mắt và một loạt hậu quả khác). Quá trình chuyển hóa gây độc của methanol chậm, và sẽ càng chậm khi trong máu có cả thành phần rượu thông thường là ethanol (do ethanol cạnh tranh chuyển hóa với methanol).

Thực tế này thường gặp ở các bệnh nhân khi uống rượu chứa cồn công nghiệp methanol pha trộn với rượu thông thường là ethanol, hoặc sau khi uống rượu dỏm, rượu giả lại uống tiếp các bữa rượu thông thường.

Cồn công nghiệp methanol được đào thải, chuyển hóa rất chậm nên chất độc tồn tại trong cơ thể tới nhiều tuần, nguy cơ gây tổn thương mắt và não nếu không được điều trị. Khi tình trạng ngộ độc xuất hiện chậm sau nhiều ngày, người bệnh dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác như bệnh mắt, khó thở, tai biến mạch máu não... dẫn tới bị bỏ sót và chữa muộn, chữa không đúng, tăng nguy cơ tử vong hoặc mù, hôn mê.

Tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi

Đây không phải lần đầu Cục An toàn thực phẩm đưa ra thông báo cảnh báo khẩn cấp ngộ độc rượu do chứa methanol. Trước đó, vào tháng 11/2020, Cục An toàn thực phẩm cũng nhận được văn bản của Bệnh Viện Bạch Mai về việc tiếp nhận 7 bệnh nhân trong 2 vụ ngộ độc rượu có chứa methanol sau khi uống rượu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó có 1 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân suy giảm thị lực nặng và di chứng thần kinh. Theo đó, các bệnh nhân này đã cùng uống một loại rượu, thông tin trên nhãn: Tên: Rượu nếp. Can 30 lít, ≤ 29,9% Vol. Cơ sở sản xuất rượu Đất Lúa, địa chỉ: Trung Xá, Toàn Thắng, Kim Động, Hưng Yên, ĐT: 0979441xxx.

Đối với vụ việc này, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm rượu nếp trên, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi kịp thời. Cục An toàn thực phẩm đã chuyển toàn bộ thông tin cho Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công thương để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xử lý sản phẩm và áp dụng các biện pháp khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Quay trở lại 5 trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol sau khi uống rượu nêu trên, về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi Sở Y tế TP Hà Nội và Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Thái Nguyên phối hợp với Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên dừng lưu thông ngay các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc và các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc trong vụ việc trên. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định (nếu có).

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Công thương TP Hà Nội điều tra, ngăn chặn việc sử dụng, lưu thông sản phẩm rượu nêu trên trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công.

Cùng đó, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác… gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm đề nghị hai Sở Y tế tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu. Tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.

Cùng chuyên mục