Không đủ điều kiện lưu thông, mỹ phẩm “dỏm” Kem lột nhẹ Thanh Hiền Pearl Cream bị thu hồi, tiêu hủy
Lô mỹ phẩm Kem lột nhẹ Thanh Hiền Pearl Cream được xác định không đạt tiêu chuẩn chất lượng, mẫu nhãn sản phẩm lưu thông không đáp ứng quy định và đã bị thu hồi, tiêu hủy.
Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông tin, đơn vị vừa ban hành văn bản thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng và nhãn mỹ phẩm lưu hành không đáp ứng quy định về nhãn sản phẩm đối với lô sản phẩm Kem lột nhẹ Thanh Hiền Pearl Cream.
Cụ thể, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Kem lột nhẹ Thanh Hiền Pearl Cream – Túi 1 hộp 3g. Trên nhãn túi ghi: Số lô: 1; NSX: 1/1/2024; HSD: 1/1/2026; Số công bố: 655/22/CBMP-VL; Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, sản xuất: Hộ kinh doanh sản xuất kem Thanh Hiền, địa chỉ: Số 48H, đường Phạm Thái Bường, phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Trên nhãn hộp không có thông tin tên sản phẩm và số lô sản xuất.
Theo Cục Quản lý Dược, lô sản phẩm bị thu hồi do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu khối lượng trung bình và tên sản phẩm trên nhãn khác tên sản phẩm trên phiếu công bố (Kem lột nhẹ, nhãn hàng: Thanh Hiền), mẫu nhãn sản phẩm lưu thông không đáp ứng quy định về nhãn sản phẩm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT.
Trước đó, mẫu mỹ phẩm trên do Trung tâm Kiểm nghiệm – Sở Y tế tỉnh Trà Vinh lấy mẫu tại Shop 8 Sang (địa chỉ tại 176 Lê Lợi, phường 1, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) để kiểm tra chất lượng. Kết quả, mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu khối lượng trung bình và mẫu nhãn sản phẩm lưu thông không đáp ứng quy định về nhãn sản phẩm theo quy định, tên sản phẩm ghi trên nhãn không thống nhất với tên sản phẩm trên phiếu công bố.
Do vậy, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Kem lột nhẹ Thanh Hiền Pearl Cream – Túi 1 hộp 3g nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm. Đồng thời tiến hành thu hồi lô và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Đối với hộ kinh doanh sản xuất kem Thanh Hiền, Cục Quản lý Dược yêu cầu phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm Kem lột nhẹ Thanh Hiền Pearl Cream – Túi 1 hộp 3g nêu trên; tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định. Mặt khác, hộ kinh doanh này phải gửi báo cáo thu hồi lô và tiêu hủy lô sản phẩm Kem lột nhẹ Thanh Hiền Pearl Cream về Cục Quản lý Dược trước ngày 25/7.
Mặt khác, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long kiểm tra hộ kinh doanh sản xuất kem Thanh Hiền trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Cùng đó, giám sát cơ sở thực hiện thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Kem lột nhẹ Thanh Hiền Pearl Cream không đáp ứng quy định; xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 10/8.
Nội dung phải có trên nhãn mỹ phẩm gồm những gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 7/VBHN-BYT ngày 16/3/2021 của Bộ Y tế ban hành quy định về quản lý mỹ phẩm thì sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Bên cạnh đó, khoản 9 Điều 2 Thông tư này cũng quy định, ghi nhãn mỹ phẩm là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về mỹ phẩm lên nhãn để người dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn và sử dụng đúng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hóa của mình và làm căn cứ để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Về vị trí nhãn mỹ phẩm, theo quy định tại Điều 16 Thông tư này, nhãn mỹ phẩm phải được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ các nội dung bắt buộc.
Trong khi đó, Điều 18 Thông tư số 7/VBHN-BYT năm 2021 quy định nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn, nhãn sản phẩm mỹ phẩm phải phù hợp với yêu cầu ghi nhãn mỹ phẩm của ASEAN. Những thông tin sau phải được thể hiện trên nhãn sản phẩm gồm: Tên của sản phẩm và chức năng của nó, trừ khi dạng trình bày sản phẩm đã thể hiện rõ ràng chức năng của sản phẩm; hướng dẫn sử dụng, trừ khi dạng trình bày đã thể hiện rõ ràng cách sử dụng của sản phẩm; thành phần công thức đầy đủ: Phải ghi rõ các thành phần theo danh pháp quốc tế quy định trong các ấn phẩm mới nhất nêu tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Thông tư này (không phải ghi tỷ lệ phần trăm của các thành phần);
Tiếp đó là, tên nước sản xuất; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (ghi đầy đủ bằng tiếng Việt theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư); định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích, theo hệ mét hoặc cả hệ mét và hệ đo lường Anh; số lô sản xuất;
Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng (ví dụ: ngày/tháng/năm). Cách ghi ngày phải thể hiện rõ ràng gồm tháng, năm hoặc ngày, tháng, năm theo đúng thứ tự. Có thể dùng từ “ngày hết hạn” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”, nếu cần thiết có thể bổ sung thêm điều kiện chỉ định cần tuân thủ để đảm bảo sự ổn định của sản phẩm. Với những sản phẩm có độ ổn định dưới 30 tháng, bắt buộc phải ghi ngày hết hạn;
Lưu ý về an toàn khi sử dụng, đặc biệt theo những lưu ý nằm trong cột "Điều kiện sử dụng và những cảnh báo bắt buộc phải in trên nhãn sản phẩm" được đề cập trong các phụ lục của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN, những thận trọng này bắt buộc phải thể hiện trên nhãn sản phẩm.
Ngoài ra, trong trường hợp kích thước, dạng hoặc chất liệu bao gói không thể in được đầy đủ các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này trên nhãn gốc, những nội dung bắt buộc này phải được ghi trên nhãn phụ đính kèm theo sản phẩm mỹ phẩm và trên nhãn mỹ phẩm phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó. Các thông tin sau đây bắt buộc phải được ghi trên nhãn gốc của bao bì trực tiếp của sản phẩm gồm: Tên sản phẩm; số lô sản xuất.
Mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành và thu hồi khi nào?
Tại Điều 3 Thông tư số 7/VBHN-BYT năm 2021 quy định, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. Việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (mục đích sử dụng của sản phẩm) phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP).
Tương tự, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường phải đảm bảo các sản phẩm của mình không có hại đối với sức khoẻ con người khi được dùng trong những điều kiện bình thường hoặc những điều kiện thích hợp được hướng dẫn, phù hợp với dạng bào chế, thông tin ghi trên nhãn, hướng dẫn sử dụng, thận trọng đặc biệt, cũng như các thông tin khác cung cấp bởi nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm.
Trong khi đó, tại Điều 45 Thông tư số 7/VBHN-BYT, sản phẩm mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành và thu hồi trong 9 trường hợp, bao gồm: Mỹ phẩm lưu thông khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng; mỹ phẩm lưu thông có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố; mỹ phẩm lưu thông có chứa thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm, các chất có nồng độ, hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép;
Tiếp đến, mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố hoặc không đáp ứng quy định về ghi nhãn sản phẩm của Thông tư này, tùy mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi; mỹ phẩm lưu thông được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm" của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN) hoặc tương đương được Hội đồng mỹ phẩm ASEAN thừa nhận, tuỳ mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi;
Tiếp theo, mỹ phẩm hết hạn sử dụng hoặc quá thời hạn theo khuyến cáo của nhà sản xuất; mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mỹ phẩm không còn nguyên vẹn bao bì; mỹ phẩm do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường có văn bản thu hồi tự nguyện.
Bị cảnh báo, kem lột nhẹ Thanh Hiền Pearl Cream vẫn rao bán tràn lan
Thông tin trên báo chí, mặc dù sản phẩm kem lột nhẹ Thanh Hiền Pearl Cream không đáp ứng quy định trước khi lưu thông ra thị trường nhưng theo ghi nhận ngày 9/7 cho thấy, đáng chú ý trên một số sàn thương mại điện tử như Shoppe, Sendo, Lazada… mặt hàng này vẫn được rao bán tràn lan với nhiều mức giá khác nhau.
Cụ thể, trên sàn thương mại Shoppe, sản phẩm kem lột nhẹ Thanh Hiền Pearl Cream được rao bán với mức giá cao nhất là 49.000 đồng/lố 12 hộp, với công dụng cam kết là loại bỏ các tế bào chết trên da mang lại làn da mịn màng tươi mát, dùng để trị vết thâm, trộn kem, giúp làm trắng da...
Tương tự, khi sàn thương mại điện tử Lazada đang rao bán sản phẩm kem lột nhẹ Thanh Hiền Pearl Cream với mức giá 49.089 đồng/lô 12 hộp (hàng loại 1) thì sàn thương mại Sendo lại rao bán mức giá cao hơn là 52.500 đồng/12 hũ.
Không chỉ rao bán trên các sàn thương mại điện tử, tại một website có tên "nhà thuốc Phúc An" (website đã thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương) có địa chỉ tại 49 Võ Thị Sáu, phường 3, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cũng đang rao bán 4.500 đồng/hộp 3g kem lột nhẹ Thanh Hiền.