Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 04/07/2024, 05:48 (GMT+7)

Nhiều lỗi vi phạm trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, 8 cơ sở tại Hà Nội bị xử phạt

Nhiều lỗi vi phạm trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, 8 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội bị xử phạt 181,5 triệu đồng.

Sở Y tế Hà Nội vừa công khai danh sách tổng hợp xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập và 2 cơ sở thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố với tổng số tiền xử phạt là 181,5 triệu đồng, Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội thông tin.

Cụ thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của ông Đỗ Đình Nhường (đội 12, thôn Bái Nội, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) bị xử phạt 45 triệu đồng do cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh chữa bệnh. Cùng với phạt tiền, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở này trong thời gian 18 tháng.

Cùng bị xử phạt mức 45 triệu đồng, nhưng Công ty CP dịch vụ phân tích di truyền (tầng 2, tòa nhà HCMCC 249A Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) lại mắc lỗi vi phạm quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Cơ sở này cũng bị buộc tháo gỡ, xóa bỏ nội dung quảng cáo về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vi phạm nói trên.

xu-phat
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH công nghệ Dahago (số nhà 19, tổ dân phố Phú Hà, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) bị xử phạt 15 triệu đồng với lỗi vi phạm chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế không công khai kết quả phân loại trang thiết bị y tế đã ban hành theo quy định của pháp luật.

Cùng đó, không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật, Công ty TNHH Dược phẩm Ngọc Giang (số 19 ngõ 97 ngách 1 Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) cũng bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt 15 triệu đồng.

Tiếp đến, nhà thuốc Minh Hồng (số 18 ngõ 82 Yên Lãng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) bị xử phạt mức 7,5 triệu đồng do lỗi vi phạm không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật

Với lỗi không niêm yết giá bán buôn tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược, Công ty TNHH Dược phẩm Thu An (số 13 ngõ 13 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) bị xử phạt mức 4 triệu đồng.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, với lỗi vi phạm tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản bị thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc, Công ty CP sản xuất dịch vụ thương mại Trường Thành (xóm 4, Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức) bị xử phạt số tiền 25 triệu đồng. Tương tự mức phạt này, Công ty TNHH OWA Việt Nam (tổ dân phố 10, khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông) cũng mắc lỗi vi phạm an toàn thực phẩm như trên.

Không có giấy phép hoạt động vẫn khám chữa bệnh, quy định thế nào?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho cơ sở có đủ điều kiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.

Bên cạnh đó, Điều 50 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có một giấy phép hoạt động và không có thời hạn. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thêm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa điểm khác thì mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một giấy phép hoạt động riêng.

Nội dung của giấy phép hoạt động bao gồm các thông tin cơ bản như: Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hình thức tổ chức; địa chỉ hoạt động; phạm vi hoạt động chuyên môn; thời gian làm việc hằng ngày.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 39 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, hình thức xử lý cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng.

Mức phạt này đồng thời áp dụng với các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế; không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh;

Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 1 - 2 năm đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này.

Đáng lưu ý, mức phạt tiền đối với các vi phạm trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Quảng cáo dịch vụ thiếu giấy phép quảng cáo, doanh nghiệp bị xử phạt ra sao?

Theo khoản 12 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, đơn cử như: thuốc, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…

Bên cạnh đó, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 123/2018/NĐ-CP) cũng quy định, các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt cần phải được cấp phép giấy xác nhận nội dung quảng cáo bao gồm thuốc; mỹ phẩm; thực phẩm, phụ gia thực phẩm; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; trang thiết bị y tế; sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật, sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư thú y; phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Cùng đó, Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điều 5 Nghị định số 123/2018/NĐ-CP) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, thì việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quy định từ Điều 3 đến Điều 11 Nghị định này (trừ quảng cáo thức ăn chăn nuôi) chỉ thực hiện sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.

Về hình thức xử phạt, theo Điều 49 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt sẽ bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Đây là mức phạt đối với cá nhân, đối với tổ chức vi phạm, mức phạt gấp 2 lần đối với cá nhân.

Mặt khác, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 1 - 3 tháng nếu quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng; và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định nêu trên.

Cùng chuyên mục