Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 14/05/2024, 11:17 (GMT+7)

Thực phẩm giảm cân ‘thần tốc’ chứa Sibutramine gây tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Nhiều thực phẩm giảm cân ‘thần tốc’ bị lực lượng chức năng thu hồi, cấm lưu hành do chứa chất cấm Sibutramine. Chất này có tác dụng phụ nguy hại như gây tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Thực phẩm giảm cân chứa Sibutramine

Thời gian qua, nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo là thực phẩm có công dụng giảm cân “thần tốc” lưu hành trên thị trường, bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thu hồi, cấm lưu hành vì chứa chất cấm Sibutramine.

Cụ thể, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường thông tin, mới đây, lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội vừa phát hiện và thu giữ hơn 2.000 viên thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ giảm cân bị làm giả một cách tinh vi. Trong đó, các đối tượng đã làm giả thực phẩm giảm cân 'thần tốc' từ bao bì, nhãn mác, cho đến vỏ hộp và các viên nén bên trong đều được làm giả với hình thức, mẫu mã giống y như thật.

Thậm chí, các đối tượng còn tự dán lên các loại tem chống hàng giả vào sản phẩm giả mạo nhằm qua mắt người tiêu dùng. Nguy hiểm hơn, trong quá trình kiểm nghiệm, cơ quan chức năng đã phát hiện ra có chất cấm Sibutramine bên trong 2.000 viên thực phẩm giảm cân trên. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính hơn 100 triệu đồng đối với chủ lô hàng này vì hành vi buôn bán hàng giả và tịch thu toàn bộ số hàng hóa trên để tiêu hủy, theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, vì lợi nhuận mà các đối tượng vẫn bất chấp sử dụng chất cấm đưa vào các loại sản phẩm thực phẩm chức năng. Hơn nữa, để che giấu cơ sở sản xuất, các đối tượng buôn bán hàng giả chỉ kinh doanh online trên các trang mạng xã hội và ứng dụng thương mại điện tử; tận dụng triệt để các mạng lưới giao hàng nhanh cũng như thường xuyên thay đổi địa chỉ kho hàng để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Với xu thế mua sắm online của phần lớn người dân hiện nay, người tiêu dùng rất dễ bị các đối tượng gian thương lợi dụng.

Căn cứ Thông tư số 10/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và Phụ lục V, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Dược, Sibutramine là chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Sibutramine gây các tác động xấu tới tim mạch nhưng lại hay bị lạm dụng trong các sản phẩm giảm cân do có tác dụng gây giảm cảm giác thèm ăn. Đây lại là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp do gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch. Do đó, Bộ Y tế đã quy định cấm sử dụng chất cấm Sibutramine trong các loại thực phẩm.

Từ năm 2010, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và nhiều quốc gia như Ấn Độ, Singapore... đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có chất cấm Sibutramine.

Tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc toàn bộ các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine do có quá nhiều tác dụng gây hại cho sức khoẻ con người. Cục Quản lý Dược đã rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine. Các bệnh viện, viện có sử dụng thuốc này cũng bị Cục yêu cầu dừng ngay việc kê đơn, sử dụng thuốc.

sp giảm cân chứa ch?
chatcam
Hình ảnh sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân được mua trên mạng xã hội có chứa chất cấm Sibutramin bị cảnh báo. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm.

Đây không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện chất cấm Sibutramine có trong thực phẩm giảm cân, thực phẩm chức năng. Trước đó, ngày 18/4/2024, Cổng thông tin điện tử Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trường hợp bị ngộ độc (mất thị lực, tổn thương não) do sử dụng sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân mua trên mạng xã hội. Theo kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia, sản phẩm nêu trên có chứa Sibutramin, thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Do vậy, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng, không mua và sử dụng sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân. Nếu phát hiện sản phẩm lưu thông trên thị trường, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người dân thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tương tự, ngày 24/2/2024, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển, (có địa chỉ trụ sở chính tại điểm công nghiệp Đan Phượng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) với số tiền hơn 11 tỷ đồng.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển đã có 6 hành vi vi phạm. Trong đó, đáng chú ý là hành vi sử dụng chất cấm sử dụng (sildenafil, sibutramine) trong sản xuất, chế biến thực phẩm với các sản phẩm thực phẩm có chất cấm gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ hoàn dương plus (số lô: 02.2022, NSX: 11/05/2022, HSD: 10/05/2025); Sản phẩm Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý (số lô: 03.2022, NSX: 12/05/2022, HSD: 11/05/2025); Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Giấm táo slim hỗ trợ giảm béo (số lô: 01.2022, NSX: 26/02/2022, HSD: 25/02/2025).

Ngoài phạt tiền, Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển còn bị đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe 11 tháng kể từ ngày 1/3/2024; đồng thời, tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ hoàn dương plus 22 tháng. Mặt khác, công ty còn bị buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm vi phạm bao gồm các sản phẩm: Bổ hoàn dương plus, giấm táo slim hỗ trợ giảm béo, Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý…

Đưa chất cấm vào thực phẩm có bị xử lý hình sự?

Chất cấm được hiểu là các hoá chất, chất kháng sinh... gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người, bị cấm sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm.

Điều 3 Thông tư số 10/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định, chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bao gồm các chất có trong các Danh mục như: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, cấm sản xuất (Acetic anhydride, Acetone…); Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội (Alphacetylmethadol, Acetorphine…); Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật và động vật (cà độc dược, cam thảo dây, bọ hung, ngô công...).

Theo Điều 2 Thông tư số 10/2021/TT-BYT, khi xây dựng danh mục chất cấm tại Việt Nam, cần phải đáp ứng những nguyên tắc sau: Bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và có cơ sở khoa học. Phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung Danh mục để đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe và yêu cầu quản lý Nhà nước. Chất đưa vào Danh mục là chất có khả năng gây hại đến sức khỏe hoặc tính mạng người sử dụng hoặc các chất không thuộc loại dùng trong thực phẩm.

Ngoài các danh mục chất cấm, khoản 1, Điều 10 Luật An toàn vệ sinh thực phẩm 2010 còn quy định điều kiện chung về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Bên cạnh đó, tùy từng loại thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; về bao gói và ghi nhãn thực phẩm; về bảo quản thực phẩm.

Cụ thể, thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn về hàm lượng quy định tại các văn bản pháp luật như sau: Giới hạn vi sinh vật gây bệnh (Thông tư số 05/2012/TT-BYT); Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Thông tư số 50/2016/TT-BYT); Dư lượng thuốc thú y, Dư lượng kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm (Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT); Quy định về chất phụ gia thực phẩm (Thông tư số 24/2019/TT-BYT).

Tại Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 cũng quy định, những hành vi bị cấm gồm: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm…

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP. Theo đó, việc xử phạt sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm tương ứng được quy định tại các điều khoản. Mức phạt tiền có thể lên tới 500 - 700 triệu đồng (khoản 5, Điều 6, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, một số hành vi sẽ có các hình phạt bổ sung như: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm.

Dưới góc độ pháp lý, nếu hành vi sử dụng chất cấm vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự thì cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ bị khởi tố hình sự.

Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm: Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm…

Cùng chuyên mục