Thứ tư, 03/07/2024, 16:45 (GMT+7)

Trưng bày hơn 400 sản phẩm giúp người tiêu dùng nhận diện thật - giả

Hữu Hậu (Tiếp thị & Gia đình)

Từ ngày 3 - 7/7/2024, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tiếp tục mở cửa Phòng trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả với chủ đề “Nhận diện thực phẩm thật - giả”.

Hơn 400 sản phẩm trưng bày để người dùng nhận diện thực phẩm thật – giả

Theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường, hướng tới kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống lực lượng Quản lý thị trường (3/7/1957 - 3/7/2024), Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tiếp tục mở cửa Phòng trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là lần thứ 12 Phòng trưng bày của Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa đón khách tham quan tìm hiểu thông tin về sản phẩm, trang bị kiến thức phân biệt hàng thật - hàng giả trên thị trường.

hanghoa
Hơn 400 sản phẩm được trưng bày để người tiêu dùng nhận diện hàng thật - hàng giả.

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi, đối tượng vi phạm, lực lượng quản lý thị trường mong muốn thông qua Phòng trưng bày lần này nhằm tạo ra địa chỉ tin cậy, giúp khách tham quan có cơ hội trực tiếp tìm hiểu thông tin về các sản phẩm mà lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Từ đó nâng cao nhận thức, kinh nghiệm trong việc lựa chọn hàng hóa chính hãng, rõ nguồn gốc xuất xứ và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý hàng giả, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường.

hanggia3 (2)
Các thương hiệu sữa trên thị trường là mục tiêu bị làm giả, làm nhái được trưng bày hướng dẫn phân biệt thật - giả.

Với chủ đề “Nhận diện thực phẩm thật - giả”, Tổng cục Quản lý thị trường trưng bày trên 400 sản phẩm, điểm nhấn chính là các loại lương thực, thực phẩm như: Gạo Ông Cua, gạo Ngon Nhất, gạo Séng Cù, đậu tương, sữa bột Pediasure, sữa bột Glucerna, sữa bột Abbott Grow, sữa bột Ensure Gold, kẹo Hubba Bubba, bánh cốm Nguyên Ninh, mật ong… cùng nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực đồ uống, thực phẩm chức năng. Đây là các sản phẩm thiết yếu, có nhu cầu cao, được người dân tiêu thụ hàng ngày.

hanghoa2
Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu lần này là những thực phẩm thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao như: gạo ST25, bánh cốm Nguyên Ninh, các sản phẩm nước uống, bánh kẹo...

Đáng chú ý, Phòng trưng bày cũng dành một khoảng không gian nổi bật để trưng bày các sản phẩm vàng trang sức vi phạm bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý trong thời gian vừa qua. Những sản phẩm này chủ yếu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ như Chanel, LV, Cartier... Đây là một trong những lĩnh vực nóng, được Chính phủ và người dân đặc biệt quan tâm.

hanggia4
Cán bộ quản lý thị trường hướng dẫn phân biệt thật - giả bánh cốm (đặc sản Hà Nội) - sản phẩm bán chạy trên thị trường.

Ngoài ra, Phòng trưng bày còn trưng bày các sản phẩm do Cục Quản lý thị trường các tỉnh, TP Hà Nội, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa phát hiện, thu giữ trong các vụ kiểm tra lớn vừa qua, như lô bút giả mạo nhãn hiệu Thiên Long, các loại dầu gội đầu, nước xả vải nhãn hiệu Comfort, Romano, Sunsilk, OMO… để người dân biết và nhận diện các dấu hiệu vi phạm.

hanggia2
Cán bộ của Tổng cục Quản lý thị trường trực tiếp hướng dẫn cách nhận diện các dấu hiệu cơ bản của hàng thật và hàng giả đối với các sản phẩm trong kỳ trưng bày.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Khắc Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian qua, thông qua các vụ việc lực lượng quản lý thị trường xử lý cho thấy, mặt hàng thực phẩm bị làm giả rất nhiều, điển hình như gạo, sữa, đồ uống... Gần nhất, lực lượng quản lý thị trường xử lý nhiều hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát cả trên môi trường thương mại truyền thống cũng như thương mại điện tử.

Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bị xử phạt thế nào?

Theo Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu như sau: Phạt tiền từ 4 - 8 triệu đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5 triệu đồng đối với hành vi bán, chào hàng, vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.

Tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm, người có hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 250 triệu đồng. Cùng đó, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm. Đồng thời, cơ sở vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định, mức phạt tiền trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, tối đa là 250 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tối đa là 500 triệu đồng.

Theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Trong đó, hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1 triệu đồng và mức cao nhất là 50 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 Nghị định này). Còn đối với hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, bao bì hàng hóa, mức xử phạt cũng tương tự hành vi buôn bán nêu trên (Điều 12 Nghị định này).

Cùng đó, phạt tiền gấp 2 lần các mức tiền phạt quy định đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây: Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Ngoài ra, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 Bộ luật Hình sự) hoặc tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 Bộ luật Hình sự).

Cùng chuyên mục