VN-Index lao dốc kỷ lục: Cú sốc lịch sử, nhà đầu tư giữ tiền hay bắt đáy?
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 3/4/2025 chứng kiến cú sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử gần 25 năm qua, khi VN-Index mất gần 88 điểm, tương đương 6,68%.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo khẩn đến các nhà đầu tư chứng khoán
Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước: Sẽ quản lý định danh người hành nghề chứng khoán
Chỉ số này lùi về sát mốc 1.230 điểm, thổi bay toàn bộ thành quả tích lũy từ giữa tháng 1. Đây là cú sốc nghiêm trọng, đẩy tâm lý nhà đầu tư vào trạng thái hoảng loạn.
Thị trường đỏ lửa với 517 mã giảm giá, chiếm hơn 96% cổ phiếu trên sàn HoSE. Đáng chú ý, hơn một nửa số này giảm sàn và rơi vào trạng thái mất thanh khoản, không có bên mua. Lực bán không chỉ tập trung vào các nhóm cổ phiếu xuất khẩu – vốn chịu ảnh hưởng từ tình hình kinh tế toàn cầu – mà còn lan rộng sang các ngành ít nhạy cảm hơn như điện nước, đầu tư công.
Một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VIC, HPG, GAS cũng chịu áp lực bán mạnh, góp phần kéo VN-Index lao dốc. Hiện tượng này khiến thị trường rơi vào trạng thái hoảng loạn, nhà đầu tư cá nhân đồng loạt cắt lỗ trong vô vọng.

Điểm sáng duy nhất trong phiên giao dịch này là lực hấp thụ mạnh mẽ từ một số nhà đầu tư tổ chức, giúp thanh khoản thị trường đạt mức cao kỷ lục. Cụ thể, khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 1,76 tỷ cổ phiếu, với tổng giá trị lên đến 39.630 tỷ đồng (tương đương hơn 1,5 tỷ USD), gấp đôi so với phiên trước đó.
Mặc dù dòng tiền lớn xuất hiện, song áp lực bán tháo vẫn áp đảo, khiến thị trường chưa thể cân bằng. Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về triển vọng hồi phục của VN-Index trong những phiên tới.
Theo các chuyên gia, đợt giảm sốc này có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Trng đó yếu tố quốc tế khị trường tài chính toàn cầu rung lắc mạnh khi lãi suất tại Mỹ có dấu hiệu duy trì ở mức cao lâu hơn dự kiến, làm tăng áp lực rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, thông tin Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng 46% đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán trải qua một phiên giao dịch đầy biến động vào ngày 3/4. Dù chính sách này chưa chính thức có hiệu lực và Việt Nam vẫn còn một tuần để đàm phán, nhưng áp lực bán tháo vẫn diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại tỏ ra khá lạc quan về triển vọng thị trường trong những ngày tới.
Tâm lý nhà đầu tư sau giai đoạn tăng nóng từ đầu năm, thị trường đối diện với áp lực chốt lời mạnh, cộng hưởng với tâm lý hoảng loạn khiến lực bán càng bị khuếch đại. Ngoài ra một số thông tin về siết chặt tín dụng cho vay chứng khoán cũng có thể đã khiến nhà đầu tư lo lắng.
Dù phiên giảm mạnh này gây sốc, song một số chuyên gia nhận định thị trường vẫn có khả năng hồi phục khi tâm lý ổn định trở lại. Các chỉ số kỹ thuật cho thấy VN-Index đã tiến sát vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.220 – 1.230 điểm, nơi có thể kích hoạt lực mua bắt đáy.
Tuy nhiên, nếu áp lực bán vẫn tiếp diễn trong các phiên tới, khả năng VN-Index mất mốc 1.200 điểm hoàn toàn có thể xảy ra. Nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế sử dụng margin, giữ tỷ trọng tiền mặt cao và theo dõi diễn biến dòng tiền để có quyết định hợp lý.
Theo ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc kinh doanh của VnDirect, nhận định rằng mặc dù thông tin áp thuế đã tạo ra sự hoang mang trên thị trường, nhưng cơn hoảng loạn này sẽ sớm chấm dứt. Ông phân tích, ngay cả khi chính sách thuế của Mỹ có hiệu lực ngay lập tức, nó cũng chỉ ảnh hưởng đến một số ngành cụ thể như thủy sản, thép, may mặc, da giày và các sản phẩm phụ kiện xuất khẩu sang Mỹ. Trong khi đó, những lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bất động sản gần như không bị tác động đáng kể.
“Nhìn vào thanh khoản hơn 4.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 3/4, tôi cho rằng đây không phải là dấu hiệu của một chu kỳ giảm giá kéo dài. Chỉ sau một vài phiên giao dịch, đặc biệt là sau kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, thị trường sẽ trở lại trạng thái bình thường”, ông Hà dự báo.
Ông Hà cũng lưu ý rằng nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm điện tử, nhưng phần lớn trong số đó thuộc các doanh nghiệp FDI và chỉ đóng vai trò tạo công ăn việc làm cho lao động Việt Nam, nên tác động thuế lên lợi nhuận thực tế không đáng kể. Các doanh nghiệp gia công như may mặc cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu đến tháng 3/2026, do đó chưa chịu ảnh hưởng ngay lập tức. Trong khi đó, ngành thép và thủy sản có thể đối diện với tác động trực tiếp nếu chính sách thuế của Mỹ được thực thi.
Cú sốc ngày 3/4/2025 là một trong những phiên giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Dù vậy, đây cũng là cơ hội cho những ai có tầm nhìn dài hạn, sẵn sàng chờ đợi thị trường phục hồi.