Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 27/06/2024, 05:25 (GMT+7)

Chống hàng giả, hàng nhái: Cần nâng cao nhận thức người tiêu dùng

Để đấu tranh chống hàng giả, mà cũng là để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng trước hết cần nâng cao nhận thức để có được thông tin chính xác về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ...

Xử 31 vụ vi phạm về hàng giả trong quý I/2024

Theo Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ gia tăng, với phương thức ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã thay đổi cách thức hoạt động bằng sử dụng nền tảng thương mại điện tử để bán trên không gian mạng, Thương hiệu Sản phẩm đưa tin.

Quý I năm 2024, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả; 1.702 vụ vi phạm về không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1.058 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp, số tiền xử phạt trên 38 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ thái độ bức xúc khi bị các đối tượng ngang nhiên làm giả, nhái thương hiệu và bán với giá thành thấp hơn nhiều so với sản phẩm của doanh nghiệp. Hành vi này cần phải bị xử phạt nặng vì không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính mà còn làm tổn hại đến chi phí và niềm tin của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt, thậm chí có cả tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh như hiện nay, không một doanh nghiệp nào muốn hàng hoá, sản phẩm dịch vụ của mình bị làm giả. Cho nên, truy xuất nguồn gốc không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ được các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng, nghiêm cấm các hành vi sao chép không hợp pháp mà còn thể hiện sự minh bạch và cam kết của doanh nghiệp đối với chất lượng sản phẩm.

hàng giả

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình cho rằng, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại là ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của chủ thể quyền đang được bảo hộ tại Việt Nam, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Trong khi đó, công tác đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lại đang là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.

Thời gian vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường với vai trò chủ công đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và gian lận thương mại, đến nay cũng đạt nhiều kết quả, chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Như Quỳnh, nhìn chung những kết quả đạt được vẫn chưa thật sự bền vững, tình trạng hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến ngày càng phức tạp, một phần do vi phạm liên tục có biến thể, phần khác do năng lực cán bộ thực thi còn những giới hạn nhất định.

Như vậy, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, bởi nếu năng lực nhận biết hàng thật-giả của lực lượng chức năng còn hạn chế và nhất là, vẫn có sự “dung túng” của người tiêu dùng với sản phẩm giả thì mọi nỗ lực từ góc độ quản lý sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp, chủ thể quyền, cũng như ý thức tự bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp cần phải được nâng cao hơn nữa. Có như vậy mới tạo nên sự đồng bộ nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm sự bền vững của nền sản xuất tiêu dùng trong nước thời gian tới.

Cùng chuyên mục