Thế giới sắp đối mặt với "làn sóng" hàng giá rẻ từ Trung Quốc
Thông tin từ The Wall Street Journal - tờ báo kinh doanh ra hàng ngày của Mỹ cho biết, Trung Quốc đang tăng cường giải phóng hàng tỷ sản phẩm tồn kho ra thị trường nước ngoài. Động thái này có thể khiến thế giới phải đối mặt với "làn sóng" hàng giá rẻ từ quốc gia này.
Theo tờ báo này, thuật ngữ "hàng giá rẻ từ Trung Quốc" đã trở nên thịnh hành từ những năm của thập niên 90. Loạt hàng giá rẻ của quốc gia này đã giúp hàng tỷ người nghèo có cơ hội tiếp cận với văn minh nhưng đây cũng chính là mối đe dọa lớn đến nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.
Theo giới chuyên gia, với lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ; tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng hệ thống công nghiệp phát triển cực thịnh được hậu thuẫn bởi chính sách thông thoáng của chính phủ, Trung Quốc có thể sản xuất bất cứ thứ gì thế giới có nhu cầu, có thể phân phối đến bất cứ đâu trên địa cầu với chi phí hợp lý nhất, từ que tăm đến bộ trang phục, từ thiết bị điện tử đến ô tô, xe máy…
Đây cũng chính là lý do để Trung Quốc trở thành cái tên duy nhất trên thế giới phát triển bền vững với mặt hàng giá rẻ.
Đáng nói, nếu như trước đây lao động giá rẻ là bệ đỡ cho Trung Quốc thì ngày nay, việc làm chủ công nghệ chip tiên tiến sẽ là tiền đề để "công xưởng toàn cầu" này tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về giá cả đối với hầu hết sản phẩm thông dụng trên thế giới.
Cũng theo The Wall Street Journal, tiêu dùng tại Trung Quốc thời điểm này đang trong giai đoạn suy yếu. Tại thị trường nội địa, một khối lượng cực lớn như ô tô điện, pin năng lượng mặt trời, thiết bị nghe nhìn thông minh, quần áo, đồ dùng gia đình, kể cả công nghệ lạc hậu... đang bị tồn đọng.
Trước thực trạng này, Trung Quốc đang tăng cường giải phóng hàng tỷ sản phẩm tồn kho ra thị trường nước ngoài. Theo đó, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ trong thời gian tới.
Một nghiên cứu vào năm 2019 chỉ ra rằng, nếu thị phần hàng hóa Trung Quốc cứ tăng 1 điểm phần trăm thì giá cả hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ giảm 2%. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa biết trước thời điểm “bình thường hóa”, nhu cầu tiêu dùng yếu, nếu hàng hóa Trung Quốc ngập tràn sẽ gây áp lực đến nhiều nền kinh tế nhỏ, muốn tự chủ, do không đủ lực để giảm giá dẫn đến doanh nghiệp đóng cửa, lao động mất việc làm.
Hiện các nước phương Tây đang tìm cách để ngăn chặn kịch bản nói trên. EU và Anh đang xem xét liệu ô tô điện sản xuất ở Trung Quốc có đang được trợ giá một cách thiếu công bằng và nếu có, sẽ áp thuế nhập khẩu hoặc áp đặt hạn chế nhập khẩu. Động thái này của các nước phương Tây có thể khiến Trung Quốc phải tính toán lại đường đi nước bước.
Khi con đường lớn bít lại, các con đường nhỏ sẽ quá tải, các thị trường cận biên như các quốc gia ở Đông Nam Á có nguy cơ trở thành không gian cho hàng hóa Trung Quốc “tạm nhập tái xuất”, khiến nhiều quốc gia trước nguy cơ bị lôi kéo vào tranh chấp thương mại quy mô lớn.
- Cuộc chiến xe điện ở Trung Quốc: Không có rẻ nhất, chỉ có rẻ hơn
- Xiaomi bất ngờ giới thiệu xe điện, tham vọng trở thành Tesla của Trung Quốc
- Apple vừa đạt được thành tích vô tiền khoáng hậu ở Trung Quốc
- Giá vàng liên tục lập kỷ lục mới, bán lúc này nên hay không?
- Ngành ngân hàng được kỳ vọng sớm tăng trưởng
- Nhiều cơ quan cùng điều hành giá điện, liệu có chồng chéo?
- Phân khúc nào sẽ "dẫn dắt" thị trường bất động sản Hà Nội?
- Vàng và USD tăng nóng, chứng khoán nổi sóng: Tiền tỷ đổ vào đâu?
- Nồng độ cồn nội sinh khác nồng độ cồn do uống bia, rượu thế nào?