Thứ ba, 12/03/2024, 14:38 (GMT+7)

Nhiều cơ quan cùng điều hành giá điện, liệu có chồng chéo?

Đề xuất các cơ quan cùng phối hợp điều hành giá điện dấy lên lo ngại về tình trạng chồng chéo trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có đề xuất mới liên quan đến cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan "chủ trì kiểm tra, rà soát"; còn Bộ Tài chính giữ vai trò là cơ quan "quản lý Nhà nước về giá"; các bộ, cơ quan liên quan phối hợp theo "chức năng, nhiệm vụ" được giao và quy định của pháp luật.

Cơ quan này cũng cho biết, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN cùng các đơn vị thành viên.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc Bộ Công Thương đề xuất giao nhiều cơ quan cùng quản lý, điều hành giá điện rất dễ xảy ra tình trạng chồng chéo trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra.

273330847_718526009531475_1252252763006319558_n
Đề xuất các cơ quan cùng phối hợp điều hành giá điện dấy lên lo ngại về tình trạng chồng chéo trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra. (Ảnh: EVN)

Trao đổi với báo Lao động, ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, việc giao nhiều bộ quản lý, điều hành giá điện rất dễ xảy ra tình trạng chồng chéo trách nhiệm, đến khi có vấn đề gì xảy ra thì bộ nọ đẩy trách nhiệm cho bộ kia, cuối cùng không giải quyết được gì. 

Theo ông Lâm, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện năng, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá. Do vậy, nên giao thống nhất việc điều hành giá điện cho Bộ Công Thương. Khi có vấn đề phát sinh hoặc biến động bất thường, có thể phối hợp với các bộ ngành để tham vấn. Hoặc trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có thể yêu cầu EVN thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn cùng các đơn vị thành viên.

Để giá điện minh bạch, cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ. Đồng thời phải tính toán kỹ lượng bài toán điều tiết giá điện theo hơi hướng của thị trường, từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững và an sinh xã hội mới được bảo đảm.

Theo vị chuyên gia này, việc cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang, rút gọn từ 6 bậc xuống 5 bậc là tốt. Nhưng cải tiến thời điểm này là chưa thích hợp. Chưa thích hợp ở chỗ, đoàn thanh tra đang kiểm tra vấn đề về giá điện sinh hoạt, xem xét các bậc đã đúng hay chưa. Do vậy, tôi cho rằng tạm thời để lực lượng chức năng kiểm tra xong, làm rõ các vấn đề liên quan cho minh bạch, rõ ràng và có kết luận cuối cùng, đến lúc đó lấy ý kiến cải tiến biểu giá bán lẻ điện cũng chưa muộn.

"Khi người dân sử dụng điện theo thị trường điện lực, người dùng nhiều phải trả nhiều, người dùng ít trả ít; không có chuyện khách hàng đã dùng nhiều (phải trả tiền nhiều), lại còn phải chịu giá điện ở bậc cao (lên tới 3.457 Kwh cho giá điện bậc 5), phải trả tiền nhiều hơn nữa. Không ai có quyền lấy của người này bù cho người khác, nên việc bù chéo là không hợp lệ và ít hiệu quả. Việc xây dựng biểu giá điện như hiện tại có thể xảy ra tình trạng không minh bạch, rõ ràng, có thể việc bù chéo lại sinh lợi cho bên bán điện. Vì vậy, theo tôi, việc áp dụng giá điện nhiều bậc ở Việt Nam hiện tại là chưa hợp lý", ông Lâm nói.

Liên quan đến những phản ánh về việc cần "tính đúng, tính đủ các chi phí" để tránh lỗ cho EVN, Bộ Công Thương đề xuất tính thêm các chi phí vốn chưa được tính trước đây như chênh lệch tỷ giá vào giá bán lẻ điện. 

Về phía Bộ Công Thương vẫn sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về điện lực, sử dụng điện, trong đó có giá điện. Đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn EVN tính toán giá bán điện bình quân, thực hiện việc điều chỉnh giá điện, chủ trì kiểm tra, giám sát.

Đề xuất giá bán lẻ điện bình quân sẽ có tăng, giảm với biên độ cụ thể cũng được giữ như dự thảo gần nhất. Trường hợp các thông số đầu vào các khâu (phát điện, truyền tải, phân phối...) làm giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Tập đoàn này sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Ở chiều ngược lại, khi giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng. Trường hợp giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với mức hiện hành, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, kiểm tra rà soát, lấy ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục