Ngành ngân hàng được kỳ vọng sớm tăng trưởng
Một số ngân hàng đã công bố chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024, như MB với 28.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; Vietcombank đặt mục tiêu lãi gần 2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023; Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.180 tỷ đồng…
Các ngân hàng cho biết, họ có cơ sở để đạt được mục tiêu lợi nhuận năm nay khi các dấu hiệu kinh tế hồi phục dần rõ nét, tín dụng tăng trở lại khi lãi suất giảm dần, kể cả với tài chính tiêu dùng. Biên lãi ròng (NIM) cũng được cải thiện khi chi phí đầu vào giảm mạnh.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB, ông Lưu Trung Thái cho rằng, cầu vốn năm nay chưa thể kỳ vọng đột biến, nhưng sẽ dần tăng trở lại khi nhu cầu về tín dụng mua nhà, ô tô đang đi ngang và nếu giữ vững được phương án đi ngang trong năm nay cũng là rất tốt để MB đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10% (tương đương khoảng 28.800 tỷ đồng trước thuế). Trong đó, động lực lớn nhất là bán lẻ, khi số lượng khách hàng tăng nhanh. Hiện tại, MB có hơn 26 triệu khách hàng, dự kiến năm 2024 sẽ có 30 triệu khách hàng.
Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2024; huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2024 và tăng 12,1% trong năm 2024, tương đương mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Còn dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4% so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước.
Dựa trên các yếu tố trên, bà Phạm Liên Hà - Giám đốc Nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính của HSC kỳ vọng, tín dụng hồi phục giúp tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong năm 2024, so với mức nền thấp của năm 2023. Đồng thời, bà Hà ước tính, tăng trưởng lợi nhuận của 14 ngân hàng đầu ngành sẽ đạt mức 20-21% trong năm nay, cao hơn mức 5,5% của năm 2023.
Bà Phạm Liên Hà nhận định, môi trường hoạt động của ngành ngân hàng năm 2024 sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2023. Cụ thể, thanh khoản hệ thống dồi dào, nên mặt bằng lãi suất duy trì thấp, kinh tế dần hồi phục và chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng, tỷ giá được kiểm soát phù hợp...
Chuyên gia HSC đánh giá, cầu tín dụng sẽ hồi phục, giúp tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong năm 2024, nhưng rủi ro về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng vẫn còn.
Về chất lượng tài sản, bà Phạm Liên Hà cho rằng, mặc dù có cải thiện trong quý IV/2023, khi tỷ lệ nợ xấu giảm, nhưng đây vẫn là điểm đáng quan ngại. Bà Hà chỉ ra 2 điểm cần lưu ý.
Thứ nhất, nợ xấu toàn hệ thống cuối năm 2023 vẫn ở mức khá cao, khoảng 4,8-4,9%.
Thứ hai, nợ xấu của các ngân hàng đầu ngành (14 ngân hàng nằm trong danh mục theo dõi của HSC) ở mức 1,67% vào cuối năm 2023, tăng nhẹ so với mức 1,5% vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, có được điều này là nhờ Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Cuối năm 2023, tổng dư nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN là 183.500 tỷ đồng, tương đương 1,35% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Nếu như cộng tỷ lệ cơ cấu nợ là 1,35% vào tỷ lệ nợ xấu chung của toàn ngành hay cộng vào tỷ lệ nợ xấu của 14 ngân hàng đầu ngành, thì tỷ lệ nợ xấu thực tế khá cao.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho hay, kết quả kinh doanh của ngân hàng phụ thuộc vào nền kinh tế. Khi kinh tế hồi phục, nợ xấu ngân hàng mới giảm và lợi nhuận khả quan. Ngược lại, nợ xấu tăng đòi hỏi trích dự phòng lớn, dẫn đến giảm lợi nhuận.