Thứ ba, 12/03/2024, 11:09 (GMT+7)

Vì sao thị trường trái phiếu không còn hấp dẫn nhà đầu tư?

Theo các chuyên gia, các vi phạm cũng như những khó khăn trong việc trả nợ gốc và lãi trái phiếu là lý do khiến giới đầu tư phải dè chừng khu lựa kênh đầu tư trái phiếu, mặc dù lãi suất cao.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 11,1%, cao hơn so với mức trung bình 8% của năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp bất động sản hoặc doanh nghiệp có ngành nghề hoạt động liên quan đến kinh doanh địa ốc.

Đáng chú ý, lãi suất trái phiếu tại các doanh nghiệp hiện ở mức 10-15%/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Đơn cử, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (mã chứng khoán: VPI) rao bán 6,5 triệu trái phiếu ra công chúng với lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm, các kỳ tiếp theo là lãi suất thả nổi (được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank + 4%, nhưng không thấp hơn 9,5%/năm). Hay như Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên BOT Ninh Thuận phát hành 1,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 9,75 năm và lãi suất 10,5%/năm...

Chính thức sửa quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới
Trái phiếu là kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro, chỉ phù hợp với các nhà đầu tư chuyên nghiệp. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Dù có mức lãi suất hấp dẫn song theo các chuyên gia, các vi phạm trong hoạt động cũng như những khó khăn trong việc trả nợ gốc và lãi trái phiếu là lý do khiến giới đầu tư phải dè chừng khi lựa chọn kênh đầu tư trái phiếu. 

Đặc biệt là sau những vụ sai phạm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cùng với hàng loạt doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu không thành toánn được cả gốc lẫn lãi trái phiếu và phải đàm phán gia hạn hết lần này đến lần khác. 

Theo các chuyên gia, mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư khi mua trái phiếu là đảm bảo an toàn vì họ sợ mất vốn. Thời điểm này, dòng tiền sẽ được các nhà đầu tư dồn vào các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, dự án khả thi phát hành trái phiếu, nhưng những doanh nghiệp này cũng không nhiều.

Điều này hoàn toàn trái ngược với tâm lý đầu tư trái phiếu trước đó. Trước đây, các nhà đầu tư cá nhân thường “ham” chạy theo các trái phiếu được hứa hẹn lãi suất cao, không đánh giá hết rủi ro, hoặc không hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của trái chủ, của doanh nghiệp và tổ chức phân phối trái phiếu.

Tuy nhiên, hiện nay nhà đầu tư đã quan tâm hơn về các quy định của pháp luật, tìm hiểu kỹ thông tin và tình hình hoạt động kinh doanh cũng như đánh giá khả năng tài chính, xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành khi quyết định "xuống tiền" đầu tư.  

Dự báo hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ có thể sẽ tiếp tục giai đoạn trầm lắng, khi các điều khoản trong Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08) bao gồm: quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc chính thức có hiệu lực thi hành.

Cùng chuyên mục