Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 21/06/2024, 11:13 (GMT+7)

Hiểm họa ma túy 'núp bóng' thực phẩm, thuốc lá điện tử nhắm đến giới trẻ

Các loại ma túy "núp bóng" thực phẩm này sẽ gây ra ảo giác, có thể xuất hiện co giật, hôn mê..., nếu vô tình sử dụng các loại thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này rất dễ bị ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Tràn lan chất gây nghiện “ngụy trang” trong thực phẩm

Công an TPHCM vừa phát đi cảnh báo về một loại ma túy mới xuất hiện trên thị trường thời gian gần đây, có tên gọi là “Socola bay”, thuộc nhóm cần sa tổng hợp, Cổng thông tin điện tử Công an TPHCM thông tin.

Theo Công an TPHCM, “Socola bay” hiện đang được một số đối tượng rao bán công khai trên các hội nhóm của mạng xã hội Facebook, Tiktok, với hàng ngàn hội viên mỗi nhóm. Đơn cử như: Hội đồng bay lắc (hơn 6.000 thành viên tham gia); Socola Monkey Chill - Chuyên sỉ lẻ toàn quốc (hơn 6.000 thành viên); Socola bay Luxury (hơn 1.000 thành viên)... Các chất trong "Socola bay" được xác định thuộc nhóm cần sa tổng hợp.

Cơ quan công an xác định, thủ đoạn của các đối tượng là trộn ma túy trong bánh, kẹo, đồ uống, thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử và thiết kế với bao bì bắt mắt, hương vị thu hút để dễ dàng tiếp cận giới trẻ. Các loại ma túy "núp bóng" thực phẩm này sẽ gây ra ảo giác, có thể xuất hiện hiện tượng co giật, hôn mê... và người trẻ nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này rất dễ bị ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

matuy1
Cơ quan Công an ảnh báo các loại ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc… Ảnh: Công an TP Đà Nẵng.

Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường trao đổi, mua bán qua các nhóm kín, mạng xã hội nước ngoài và sử dụng các đơn vị trung gian để vận chuyển. Qua đấu tranh, lực lượng công an ghi nhận các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn nhập ma túy dạng bột trái phép từ nước ngoài về Việt Nam để bào chế, gia công đóng, dập thành ma túy dạng viên; chia nhỏ ma túy để ngụy trang, cất giấu lẫn trong các loại hàng hóa và thuê căn hộ, chung cư để cải tạo, làm nơi cất giấu, tổ chức mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy...

Trong khi đó, Cổng thông tin điện tử Công an TP Đà Nẵng cũng thông tin, nhiều loại ma túy “núp bóng” thực phẩm khác như “nước vui”, “nước biển” chứa chất ma túy GHB (thuộc danh mục IIC của Nghị định số 57/2022/NĐ-CP, là chất được tạo thành bởi tiền chất Gamma-butyro lactone (GBL); nước xoài “Crispy Fruit” có chứa chất ma túy Bromazepam, Nimetazepam đều là chất ma túy (thuộc danh mục III của Nghị định số 57/2022/NĐ-CP).

Ngoài ra, nhiều dạng ma túy “núp bóng” khác như bánh cần, bánh lười “lazy cakes” chứa cần sa; tinh dầu thuốc lá điện tử; nước nho Ribena chứa ketamine, trà chanh, nước giải khát chứa chất ma túy ketamine, MDMA; ma túy “đông trùng”… Người vận chuyển, tàng trữ, mua bán loại này biết nó là ma túy nhưng khi bị bắt thường che giấu ý thức chủ quan không biết là ma túy để nhằm chối tội.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu ma túy dạng “Socola bay” mới xuất hiện. Ở diễn biến liên quan, vào tháng 5/2023, một loại ma túy dưới dạng "Socola bay" đã khiến 3 trẻ nhỏ nhập viện ở Hà Nội. Theo thông tin trên báo chí, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cấp cứu thành công 3 trẻ nhỏ ở khu vực nội thành Hà Nội, cùng ăn một loại bánh socola được hàng xóm cho, sau đó có biểu hiện ngộ độc. Qua phân tích, trong bánh có chứa chất gây nghiện. Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong bánh sô cô la 3 cháu nhỏ ăn có chứa loại ma túy mới, có tên gọi là “Socola bay”.

Trước đó, vào tháng 11/2022, một người phụ nữ ở Hà Nội cũng bị ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô do con bà đặt mua trên mạng. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, ý thức lơ mơ. Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa).

Tháng 5/2022, ngành y tế thành phố Hà Nội cũng đã ghi nhận 5 trường hợp cấp cứu sau khi sử dụng loại thực phẩm có tên “Socola chill max”. Sau khi kiểm định, cơ quan chức năng tìm thấy chất ADB-Butinaca trong các viên socola.

Ma túy “Socola bay” gây nguy hại thế nào?

Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, ADB-Butinaca và các chất có trong “Socola bay” thuộc nhóm cần sa tổng hợp và bị xem là chất ma túy. Theo Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, ADB-Butinaca có công thức phân tử C18H26N4O2 thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp vì tác dụng của nó gây ra ảo giác, cũng như kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất THC có trong cần sa.

matuy2
Ma túy dạng mới ngụy trang dưới dạng viên kẹo chocolate.

Ngày 25/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục các chất ma túy và tiền chất (thay thế Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và Nghị định số 60/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020). Theo đó, Nghị định số 57/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm 17 chất ma túy và 3 tiền chất, nâng tổng số chất cần kiểm soát ở Việt Nam là 557 chất ma túy và 60 tiền chất. Theo đó, đã bổ sung chất ADB-Butinaca vào trong danh mục các chất ma túy ở Việt Nam.

Hiện nay, nhóm cần sa tổng hợp chứa hàng trăm chất khác nhau và ADB-Butinaca là một trong số các chất như vậy. Các chất này bị cấm tại hầu hết quốc gia trên thế giới.

Theo các chuyên gia y tế, người sử dụng chất này sẽ bị gây ảo giác mạnh, hoang tưởng, ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe; không làm chủ bản thân, hành vi của mình, từ đó dẫn đến những hành động không kiểm soát, mất nhân tính, vi phạm pháp luật, làm mất an ninh trật tự.

Công an TPHCM khuyến cáo người dân, đặc biệt là giới trẻ cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trang bị kiến thức để nhận biết dấu hiệu thường gặp ở người sử dụng ma túy; thường xuyên cập nhật, theo dõi các thông tin về tác hại của ma túy, đặc biệt là các loại ma túy mới; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy để nhận biết, phòng ngừa.

Cùng đó, gia đình, nhà trường cần quan tâm, giáo dục, khuyến cáo con em mình không tham gia tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc... Nếu con em có biểu hiện sử dụng các loại ma túy, gia đình cần kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người dân cần báo ngay cho chính quyền và công an gần nhất.

Ngoài ra, đối với các dịch vụ kinh doanh tuyệt đối không được tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc kích thích (có thể là ma túy núp bóng) trôi nổi không rõ nguồn gốc… để bày, bán dễ gây nhầm lẫn cho người dân khi mua, sử dụng như các thực phẩm thông thường.

Cùng chuyên mục