Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm ngộ độc rượu những ngày gần Tết
Cồn trong rượu gây độc hầu hết các cơ quan trong cơ thể, có thể gây tổn thương gan, dạ dày, thực quản, ruột, tụy và não bộ…
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số lượng người bị ngộ độc rượu tăng vào dịp trước Tết Nguyên đán do nhu cầu ăn uống, liên hoan có sử dụng rượu, bia của người dân gia tăng. Đa số các trường hợp ngộ độc rượu là do uống phải rượu trắng “3 không”: không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần.
Các loại rượu kém chất lượng, pha chế bằng cồn công nghiệp (Methanol) có tốc độ chuyển hóa, đào thải rất chậm. Có loại tới 7-8 ngày sau uống vẫn có thể còn tồn tại Methanol trong máu. Methanol khi vào người được cơ thể chuyển thành Axit Formic - chất độc hơn Methanol rất nhiều, gây tổn thương mắt, thần kinh. Đặc biệt, trong những dịp lễ Tết, người dân có thể uống nhiều loại rượu khác nhau nên càng làm quá trình chuyển hóa Methanol chậm hơn. Vì vậy, có trường hợp nhiều ngày sau khi uống rượu mới có biểu hiện mắt mờ, ngộ độc.
Biểu hiện khi bị ngộ độc rượu thường xảy ra rõ trong khoảng 12 - 24 giờ sau khi uống. Người uống thường cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng. Tình trạng nặng hơn sẽ dẫn đến các triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, thậm chí là hôn mê sâu…
Người uống rượu bị cảm giác no giả, nên trong quá trình uống rượu mà không ăn dẫn đến bị hạ đường huyết. Có trường hợp uống liên tục vài ngày, uống quá nhiều tới khi nguy kịch mới vào viện thì để lại di chứng rất nặng nề, đặc biệt là di chứng não. Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy. Đặc biệt, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người dân không nên lạm dụng rượu bia, nếu uống thì cần tránh uống vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Cụ thể, nam giới không uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới không uống quá 2 đơn vị rượu/ngày, nếu uống quá mức này được coi là lạm dụng rượu. Trong đó, 1 đơn vị rượu tương đương với: 1 lon bia 270 - 330ml nồng độ 2 - 12 độ; 1 chén rượu vang 125ml nồng độ 9 - 18 độ hoặc 1 chén rượu mạnh 40ml nồng độ 40 độ.
Các chuyên gia khuyên người dân không nên uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không uống rượu khi không biết rõ nguồn gốc xuất xứ, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.