Bất ngờ với tác dụng kháng mầm bệnh ngộ độc của cà chua
Peptide kháng khuẩn trong cà chua là những protein rất nhỏ, tấn công vào màng tếc bào của các mầm bệnh gây ngộ độc thực phẩm.
Sci-News chia sẻ nghiên cứu của Mỹ cho thấy tác dụng kì diệu của quả cà chua. Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS. Jeongmin Song từ Đại học Cornell đã kiểm tra tác động của 4 peptide kháng khuẩn tiềm năng trong quả cà chua trong việc chống lại Salmonella typhi.
Salmonella typhi là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt trên khắp thế giới. Nó còn có một tên gọi khác quen thuộc hơn là vi khuẩn thương hàn, có thể gây ra hội chứng nhiễm độc toàn thân nặng và tử vong. Còn peptide kháng khuẩn trong cà chua là những protein rất nhỏ thường tấn công vào màng tế bào của các mầm bệnh gây hại.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng nước ép cà chua và xác nhận được 2 peptide kháng khuẩn trong số 4 mẫu được kiểm nghiệm thực sự chống được Salmonella. Phân tích sâu hơn, họ nhận thấy các peptide này loại bỏ mầm bệnh thông qua cơ chế cơ bản là làm suy yếu màng vi khuẩn Salmonella, khiến chúng mất đi tính nguyện vẹn và chết đi.
Cơ chế này có hiệu quả ở cả một số biến thể siêu độc của Salmonella, cũng như một số vi khuẩn khác gây hại cho đường tiêu hóa và đường tiết niệu của con người.
Dù không thể giúp con người được bảo vệ 100%, nhưng tác động trên cho thấy cà chua là thứ có tiềm năng giúp giảm bớt nguy cơ phát bệnh, đặc biệt là bệnh nặng do Samonella và các tác nhân gây ngộ độc thực phẩm khác. Các chuyên gia khuyên mọi người nên thực hiện các biện pháp an toàn cơ bản trong chế biến thực phẩm, đảm bảo vệ sinh ăn uống để phòng bệnh hiệu quả.
Cà chua có thành phần dinh dưỡng dồi dào, bao gồm các hợp chất chống oxy hóa có lợi như lycopene, polyphenol và vitamin, đã được chứng minh là tốt cho hệ thống tim mạch, chuyển hóa... Ăn cà chua giúp tăng tính kháng khuẩn và tốt cho sức khỏe đường ruột. Tại Việt Nam, cà chua là nguyên liệu trong nhiều món ăn như: salad, nước ép, món canh, hầm…