Thứ ba, 13/02/2024, 10:23 (GMT+7)

Ngộ độc rượu ở người lớn và tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ tăng cao dịp Tết

Các bệnh viện tiếp nhận nhiều ca ngộ độc rượu liên quan rượu giả, rượu tự chế và tai nạn thương tích trong những ngày Tết vừa qua.

Ngộ độc rượu ở người lớn gia tăng

Mới đây, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận 2 bệnh nhân trong một gia đình vào viện trong bệnh cảnh tụt huyết áp, rối loạn nhịp thất phức tạp do ngộ độc Aconitin sau uống 100ml rượu ngâm củ ấu tẩu. Trong đó, có 1 bệnh nhân 49 tuổi có tiền sử tăng huyết áp - đái tháo đường type 2.

Sau khi uống rượu khoảng 30 phút, 2 bệnh nhân đều có biểu hiện tê môi, tê đầu lưỡi, chóng mặt, đau tức nặng ngực và được đưa vào bệnh viện. Khi vào viện, bệnh nhân 49 tuổi được chẩn đoán bị ngộ độc Aconitin biến chứng rối loạn nhịp thất phức tạp - toan chuyển hóa rất nặng, được xử trí đặt sonde dạ dày, rửa dạ dày, dùng các thuốc vận mạch, chống rối loạn nhịp thất và được lọc máu liên tục. Sau 12 giờ lọc máu, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, hết toan chuyển hóa, không còn rối loạn nhịp thất. Bệnh nhân được ra viện sau 2 ngày điều trị.

ngo doc
Nhiều ca ngộ độc rượu xảy ra trong dịp Tết - Ảnh minh họa

Còn tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, các ca ngộ độc rượu có sự gia tăng đột biến và ca nặng, để lại di chứng chiếm tỷ lệ khá lớn. Điển hình là 3 trường hợp nam bệnh nhân độ tuổi từ 46 đến 72 được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol, được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai. Cả 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, khi chụp phim cắt lớp não đã có tổn thương hoại tử, chảy máu và phù nề nặng lan tỏa trên não.

Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn methanol trong máu rất cao, lên tới vài trăm ml/dL. Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng 1 bệnh nhân đã tử vong, 1 bệnh nhân tiên lượng xấu được gia đình đã làm thủ tục xin về.

Bên cạnh đó, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận nhiều ca uống rượu quên ăn trong dịp Tết đến khi nhập viện đường máu bệnh nhân về 0; nguy hiểm đến tính mạng. Một trường hợp trong số này vốn có tiền sử nghiện rượu, thường xuyên uống rượu mà bỏ bữa không ăn, nên đến khi nhập viện, bệnh nhân đã bị tổn thương não rất nặng nề.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong dịp Tết, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu methanol thường gia tăng. Ngộ độc methanol do uống phải rượu giả khiến người uống không biết và nghĩ rằng bị say rượu. Thậm chí, biểu hiện khi ngộ độc rượu methanol lại chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt, gan... Kể cả khi được điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong vẫn chiếm 30-50%.

Các bệnh nhân đến viện thường ở dưới hai diện. Hoặc là là ngộ độc cấp do một lần uống quá nhiều rượu, hoặc là lạm dụng rượu trong thời gian quá dài. Methanol là chất rất độc, chỉ cần uống 5 - 15ml có thể gây ngộ độc nặng; từ 15ml trở lên có thể gây mù lòa; từ 30ml trở lên có thể gây tử vong. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân hạn chế rượu bia, cần xem xét nguồn gốc đồ uống.

Tai nạn thương tích ở trẻ tăng cao dịp Tết

Theo BSCKII Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày Khoa tiếp nhận 70-80 trẻ vào viện trong tình trạng cấp cứu. Trong đó, có khoảng 10 ca tai nạn thương tích vào nhập viện. Nguyên nhân do tai nạn thương tích khiến trẻ phải nhập viện rất đa dạng, có thể chỉ là tổn thương phần mềm, gãy xương, chảy máu bên ngoài… nhưng cũng có thể là những trường hợp nặng như tổn thương tạng, ngộ độc nặng… ảnh hưởng đến chức năng sống của trẻ.

Điển hình là bệnh nhi 11 tuổi vừa nghỉ Tết, khi đi chơi cùng bạn đã lao xe đạp từ trên đê xuống. Do không làm chủ được tốc độ nên bị ngã văng xa, hôn mê và đưa đến bệnh viện ở Hải Phòng sơ cấp cứu. Trên phim CT não có hình ảnh tụ máu nội sọ và đụng dập nhu mô não, được chỉ định chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh nhi vào viện trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, tăng áp lực nội sọ, được cấp cứu thở máy, hỗ trợ hô hấp, chống phù não và chỉ định can thiệp ngoại khoa cấp cứu. Hiện bệnh nhi vẫn phải nằm tại đơn vị Điều trị tích cực ngoại khoa.

tan nan
Cần trông chừng trẻ kỹ lưỡng để không xảy ra hậu quả đáng tiếc

Ngoài ra, có nhiều ca nhập viện vì ngộ độc thuốc và hóa chất trong dịp Tết. Một cháu bé hơn 2 tuổi ở Thanh Hóa uống nhầm dầu thắp đèn bàn thờ, do cha mẹ tận dụng đựng trong chai nước không dán nhãn. Cháu bé nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, suy hô hấp và được điều trị hồi sức tích cực, thở máy.

Một trường hợp khác là bé 2 tuổi ở Hưng Yên uống nhầm nước hóa chất làm sạch bề mặt, tẩy rửa đồ trang sức có thành phần axit, gây tổn thương đường tiêu hóa. Cháu bé dễ có nguy cơ bị bỏng gây xơ sẹo, chít hẹp đường tiêu hóa. Ca bệnh này cần phải theo dõi và đánh giá lâu dài. Một số trường hợp còn cần can thiệp về ngoại khoa..

Bác sĩ cho biết, trẻ em thường thích tìm tòi, khám phá, ngày Tết cha mẹ thường bận việc, có những lúc sao nhãng trong việc trông nom con, khiến trẻ có thể dễ bị tai nạn thương tích. Để phòng tránh các tai nạn thương tích có thể xảy ra với trẻ trong những ngày này, các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm, chăm sóc sát sao và tạo ra một không gian vui chơi an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó cần giáo dục, hướng dẫn trẻ có thể phòng tránh. Quan sát kỹ khi trẻ ăn uống, đặc biệt khi ăn vật lạ, các vật nhỏ như hạt trong dịp Tết…

Cùng chuyên mục