Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 08/02/2024, 12:09 (GMT+7)

Phòng tránh nguy cơ tai nạn cho trẻ trong dịp Tết

Nếu không cẩn thận, những tai nạn xảy ra với trẻ ngày Tết sẽ làm mất đi không khí sum họp vui vẻ đáng có.

Thời gian chuẩn bị đến Tết, phụ huynh thường bận bịu vừa lo công việc, vừa lo dọn dẹp nhà cửa, không có nhiều thời gian để mắt kỹ lưỡng đến mọi hoạt đông của trẻ. Trong những ngày Tết, gia đình di chuyển đến nhiều nơi, sự tụ họp của người lớn cũng phần nào buông lỏng những đứa trẻ hơn.

Theo thống kê hằng năm, rất nhiều trẻ em phải nhập viện vì tai nạn thương tích, nguyên nhân thường đến từ những vật đơn giản xung quanh. Sau đây là một vài tai nạn mà cha mẹ cần cảnh giác để phòng tránh thương tích cho trẻ trong dịp Tết.

Bỏng

Thông thường, nhà nào cũng chuẩn bị bình nước nóng, phích nước sôi để có khách đến chúc Tết thì pha nước cho tiện. Nước sôi, thức ăn nóng hay dầu ăn là những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn bỏng ở trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị bỏng do hóa chất hay bóng bay chúc mừng năm mới nếu ở gần nguồn nhiệt, bỏng bàn là khi người lớn là quần áo đi chơi Tết…

tai nan
Không để trẻ ở gần những vật nguy hiểm

Khi trẻ bị bỏng, bố mẹ cần đưa trẻ ra khỏi nguồn nhiệt, làm nguội vết phỏng bằng cách cởi quần áo cháy hoặc dính hóa chất. Co trẻ uống nhiều nước khi bỏng nặng. Nếu phát hiện vùng da bị nhiễm khuẩn như sưng, đỏ, mủ thì phải cho trẻ đi bệnh viện. Tuyệt đối không làm vỡ bóng nước; không bôi kem đánh răng, giấm, đắp các loại lá lên vùng bị bỏng.

Cha mẹ cần để đồ dùng trong nhà thật cẩn thật, đặc biệt là cách vật dụng điện, đựng nước nóng. Trông chừng trẻ cần thận khi cho đến nhà người khác để không xảy ra sự việc đáng tiếc.

Hóc dị vật đường thở

Các loại hạt như hạt lạc, hạt dưa, hạt bí hay các loại kẹo bánh, thạch… thường được bày sẵn trên bàn khách của mọi nhà dịp Tết. Trẻ có thể bắt chước người lớn cắn hạt, tự lấy ăn đồ để ăn. Trong lúc không để ý, trẻ nhỏ có thể hóc dị vật. Những biểu hiện khi trẻ bị hóc dị vật là: ho sặc sụa, tím tái, khó thở... Cũng có nhiều trường hợp trẻ nuốt phải dị vật từ hôm trước nhưng hôm sau mới đột nhiên khóc thét. Vì vậy mẹ cần chú ý quan sát mọi biểu hiện của con.

Bố mẹ cần bình tĩnh để xử lý khi trẻ bị hóc. Sử dụng thủ thuật Heimlich với trẻ hơn 2 tuổi như sau: đứng sau lưng trẻ, hai tay ôm thắt lưng, một tay làm thành quả đấm đặt ở vùng thượng vị, một bàn tay chồng lên, ấn mạnh và nhanh: trước - sau, dưới - lên, lặp lại 6 - 10 lần. Hoặc đặt lòng bàn tay thứ nhất lên vùng thượng vị, bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất, ấn mạnh và nhanh cả bụng dưới và trên, lặp lại 6-10 lần.

Trẻ chưa đến 2 tuổi thì dùng biện pháp vỗ lưng, ấn ngực. Bạn để trẻ nằm sấp, đầu thấp/cánh tay thả lỏng. Vỗ mạnh lưng giữa hai xương bả vai. Ấn ngực bằng cách lật ngửa trẻ, ấn xương ức dưới nối hai vú. Tuyệt đối không móc họng hay dốc ngược trẻ.

Để xa tầm tay trẻ các dị vật nhỏ mà trẻ có thể cho vào miệng. Tuyệt đối không cho trẻ tự ăn các loại hạt trong dịp Tết. Khi cho trẻ ăn trái cây có hạt, hãy lấy hết hạt ra trước khi cho trẻ ăn.

Điện giật

Những ngày Tết, các gia đình thường sử dụng nhiều thiết bị điện để trang hoàng nhà cửa, đặc biệt là những dây đèn nhấp nháy rất thu hút sự chú ý của trẻ em. Trong nhiều trường hợp, người lớn còn chỉ cho trẻ những đồ đẹp để trẻ có cái chơi. Chính sự vô ý này đã gây ra những sự cố về điện giật.

tai nan
Không để trẻ nghịch ngợm gần nguồn điện

Lưu ý ngắt nguồn điện rồi mới đưa trẻ ra khỏi vị trí bị giật. Trẻ bị điện giật nhưng vẫn tỉnh táo thì có thể để trẻ nằm nghỉ và theo dõi tại nhà, nếu thấy có dấu hiệu xấu đi thì đưa đến cơ sở y tế. Nếu trẻ bất tỉnh và ngưng thở, hãy cấp cứu tại chỗ rồi đưa ngay đến bệnh viện. Để tránh cho trẻ không bị giật, bố mẹ cần đảm bảo không để trẻ sờ nghịch các thiết bị điện ngày Tết và cần có phương pháp sử dụng điện an toàn.

Tai nạn do pháo

Nhiều trẻ do không hiểu biết nên đã lên mạng mua nguyên liệu làm pháo rồi về làm pháo tự chế gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe như: dập nát bàn tay, chân, mù mắt, điếc, bỏng… Khi phát hiện trẻ gặp tai nạn do pháo nổ, cần xem xét vết thương, nếu nặng cần đưa đi viện cấp cứu. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, gia đình cần sát sao trẻ, không để trẻ nghịch ngợm quá mức. Luôn dạy trẻ về những hậu quả khôn lường của trò chơi từ vật liệu cháy nổ.

Bị động vật cắn

Ngày tết trẻ về quê với ông bà, thường được đưa bố mẹ đi chơi, thăm hỏi chúc tết gia đình. Các gia đình ở vùng quê thường có chó, mèo trong nhà. Bố mẹ cần chú ý cẩn thận với những nguy hiểm rình rập trẻ như chó cắn hay mèo cào.

Trâu, bò húc là một tai nạn cũng khá thường gặp ở vùng nông thôn, trong một số trường hợp trâu bò hỗn sẽ tấn công người chăn thả và người xung quanh. Ngoài việc trông chừng trẻ kỹ lưỡng, bố mẹ cần dạy trẻ không trêu chọc động vật, không cho động vật ăn hay tùy tiện sờ vào chúng.

Ngộ độc

tai nan
Hóa chất cần được cất ở nơi an toàn, tránh xa tầm tay của trẻ

Nhiều gia đình mua các loại hóa chất như: xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axit, chất diệt cỏ về lau dọn, sơn sửa nhà cửa… nhưng lại để vào các chai nước suối, nước ngọt. Đặc biệt, trong những ngày Tết, nhiều gia đình sử dụng các loại dầu với các màu sắc sặc sỡ để thắp đèn trên bàn thờ cũng, mà không để xa tầm tay trẻ, không có cảnh báo, trẻ dễ  uống hoặc nuốt phải gây nguy hiểm tính mạng.

Vào ngày Tết, trẻ thường ăn uống thức ăn sẵn, đồ dầu mỡ, bánh kẹo, nước ngọt… dễ dẫn tới đầy bụng bội thực. Một số trẻ còn có thể bị ngộ độc khi ăn quá nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc. Trẻ bị ngộ độc thực phẩm thường có biểu hiện chóng mặt, nôn mửa, sốt, tiêu chảy… Khi trẻ bị nôn và đi ngoài, cần cho trẻ uống nhiều nước và dung dịch oresol để bù nước và điện giải. Nếu các triệu chứng kéo dài, trẻ mệt lả đi, cần đưa trẻ đi cấp cứu

Hãy kiểm soát chặt chẽ việc ăn uống của trẻ trong ngày Tết. Cố gắng để trẻ ăn uống đủ chất, hợp vệ sinh, không cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt.

Cùng chuyên mục