Thứ bảy, 26/04/2025
logo
Xu hướng quảng cáo

Chủ tịch HAA: Livestream bán hàng cơ hội bạc tỷ nhưng cũng đầy rủi ro

VIÊN VIÊN Thứ bảy, 26/04/2025, 09:34 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Thanh Đảo - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM, livestream bán hàng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cho giới trẻ, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu thiếu kiến thức và đạo đức nghề nghiệp.

Cơ hội mới cho ngành quảng cáo trong thời đại bùng nổ công nghệ

Người dân thuộc 4 trường hợp này sẽ được hoàn trả tiền đóng Bảo hiểm y tế

Không cho người lao động nghỉ 5 ngày lễ 30/4 và 1/5, doanh nghiệp có bị phạt?

Livestream bán hàng đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trong ngành quảng cáo số, mở ra nhiều cơ hội mới cho giới trẻ, đặc biệt là sinh viên ngành truyền thông – quảng cáo. Tuy nhiên, đằng sau sự bùng nổ ấy cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu thiếu kiến thức pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Tại Tọa đàm “Chuyện nghề quảng cáo” do Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn phối hợp với Hội Quảng cáo TP.HCM (HAA) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thanh Đảo – Chủ tịch HAA – đã có nhiều chia sẻ sâu sắc về xu hướng phát triển ngành quảng cáo trong giai đoạn hiện nay. Buổi giao lưu thu hút đông đảo sinh viên ngành truyền thông – quảng cáo và mang đến nhiều thông tin thực tế, thiết thực.

Mở đầu phần chia sẻ, ông Đảo nhấn mạnh đến bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn cải cách thể chế mạnh mẽ. Theo ông, Đảng và Chính phủ hiện đang đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, từ việc sáp nhập các bộ, ngành đến tinh giản hệ thống cấp hành chính trung gian. “Chưa bao giờ tinh thần cải cách lại rõ ràng như nhiệm kỳ này,” ông khẳng định. Đây chính là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế năng động, hiện đại và hiệu quả hơn – một môi trường thuận lợi cho ngành quảng cáo bứt phá.

7
Ông Nguyễn Thanh Đảo Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM.

Trong làn sóng chuyển đổi đó, khoa học – công nghệ và chuyển đổi số được xem là trụ cột phát triển quan trọng. “Ngành quảng cáo cũng không nằm ngoài xu hướng này. Chúng ta buộc phải thay đổi để thích nghi, nếu không sẽ bị đào thải,” ông Đảo nói.

Ông cũng cho biết thêm, quảng cáo hiện được xếp vào nhóm 12 ngành công nghiệp văn hóa chủ lực của quốc gia, có định hướng phát triển dài hạn và được Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ. Đây là cơ hội lớn cho những bạn trẻ yêu thích và theo đuổi ngành này.

img_4375-0911
Phiên thảo luận của các chuyên gia.

Tuy nhiên, ông Đảo cũng chỉ ra một thực tế: Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh và gần 1 triệu doanh nghiệp – con số vẫn khá khiêm tốn so với nhiều nước phát triển. “Tỷ lệ người khởi nghiệp còn thấp. Vì thế, chúng ta cần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt trong sinh viên ngành truyền thông – quảng cáo,” ông nhấn mạnh.

Một trong những hình thức quảng cáo nổi bật nhất hiện nay là livestream bán hàng, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Theo ông Đảo, thị trường quảng cáo tại Việt Nam hiện đạt khoảng 2,9 tỷ USD mỗi năm, trong đó 70-80% chi tiêu đến từ quảng cáo kỹ thuật số. Các hình thức truyền thống như truyền hình, báo in, hay quảng cáo ngoài trời chỉ chiếm phần còn lại.

Livestream bán hàng – dù mới xuất hiện vài năm gần đây – đã nhanh chóng trở thành một trong những công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng. Không ít người nổi tiếng (KOLs), và thậm chí cả những người bình thường, đã thành công rực rỡ nhờ khả năng kết nối và tạo dấu ấn riêng qua livestream. “Nhiều người không học hành bài bản, không qua trường lớp chuyên nghiệp, nhưng nhờ duyên bán hàng và biết nắm bắt xu hướng, họ vẫn có thể gặt hái thành công", ông Đảo chia sẻ.

img_4374
Các chuyên gia và khách mời tham dự toạ đàm.

Tuy vậy, ông cũng cảnh báo rằng livestream không đơn thuần là cầm điện thoại lên nói và bán. Đã có nhiều trường hợp “ngã ngựa” vì thiếu hiểu biết pháp luật hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp. “Có người nổi tiếng từng bị xử lý hình sự vì livestream sai sự thật, quảng cáo gian dối. Làm nghề này không chỉ cần kỹ năng mà còn phải có kiến thức và sự tỉnh táo",  ông cảnh báo.

Đặc biệt, ông Đảo nhấn mạnh rằng vi phạm trong hoạt động quảng cáo hiện không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hành vi gian dối, sai sự thật trong quảng cáo có thể bị xử lý theo các điều luật như Điều 193 (về sản xuất, buôn bán hàng giả) hoặc Điều 198 (về hành vi lừa dối khách hàng) trong Bộ luật Hình sự. “Điều này cho thấy Nhà nước đang siết chặt hoạt động quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", ông nói thêm.

Nhằm hỗ trợ sinh viên tiếp cận thực tiễn ngành nghề và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức các hoạt động giao lưu, hội thảo chuyên đề. Một trong những sự kiện đáng chú ý là “Tuần lễ quảng cáo và giải trí Việt Nam” diễn ra vào tháng 7 tới. Trong khuôn khổ sự kiện này, sẽ có cuộc thi livestream bán hàng dành riêng cho sinh viên.

“Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia đến huấn luyện kỹ năng livestream bài bản, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về kỹ thuật, cách xây dựng nội dung, và đạo đức nghề nghiệp khi tham gia hoạt động quảng cáo trực tuyến",  ông Đảo cho biết. Điểm đặc biệt của cuộc thi là không cho phép các đơn vị bán hàng chuyên nghiệp tham gia, nhằm tạo sân chơi công bằng cho người mới và sinh viên thử sức.

Kết thúc phần chia sẻ, ông Đảo gửi gắm: “Chúng tôi mong các bạn trẻ có ước mơ, có tư duy đúng và trang bị đủ hành trang để bước vào nghề một cách tự tin. Ngành quảng cáo đang thay đổi từng ngày, nhưng vẫn luôn chào đón những ai có khát vọng và trách nhiệm".

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục