Khuyến cáo về phòng chống Covid-19 khi số ca mắc tại một số nước tăng cao
Tình hình Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, trước tình trạng số ca mắc tại một số nước tăng mạnh, người dân không nên chủ quan.
Biến thể EG.5 của COVID-19 xuất hiện nhiều trên thế giới
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiều nước tại khu vực Tây Thái Bình Dương đang có số ca mắc tăng. Trong đó, số ca mắc chủ yếu xuất hiện tại Úc, New Zealand, Singapore, đảo Guam, Brunei…
Bên cạnh đó, biến thể của Omicron là BA.2.86 đã được WHO nâng cấp từ biến thể giám sát (VUM) lên thành biến thể được quan tâm (VOI). Hiện WHO đang theo dõi 4 biến thể VOI của SARS-CoV-2 gồm: XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5 và BA.2.86.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã phát đi cảnh báo nguy cơ số ca mắc COVID-19 tại thành phố gia tăng trở lại. Từ tháng 7/2023 - 11/2023, sở tiếp tục phối hợp với Tổ chức Oucru (đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford) nhằm duy trì giám sát các biến thể của virus SARS-CoV2 trên địa bàn thành phố. Có 8 mẫu bệnh phẩm có đủ tải lượng virus COVID-19 được giải mã gen, tất cả đều thuộc biến thể của Omicron.
Cụ thể: XBB.1.9 (4 chủng), XBB.1.16 (2 chủng), BA.2.75 (1 chủng), BA.2.86.1 (1 chủng). Như vậy, trong khi biến thể EG.5 là phổ biến nhất đang được ghi nhận tại 89 quốc gia thì biến thể này hiện vẫn chưa được phát hiện tại TP.HCM.
EG.5 hay Eris là một biến thể phụ của Omicron. Biến thể này đã được xếp vào danh sách "biến thể đáng quan tâm", đồng nghĩa nó sẽ được theo dõi trước khả năng xuất hiện đột biến nghiêm trọng hơn. Triệu chứng của EG.5 giống như các biến thể khác, gồm sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, sổ mũi, thay đổi mùi vị.
Tuy nhiên, Sở Y Tế TP.HCM nhấn mạnh, trong bối cảnh số ca mắc đang tăng ở một số nước thì nguy cơ số ca mắc tại thành phố gia tăng trở lại là khó tránh khỏi, đặc biệt là biến thể EG.5. Do đó, Sở yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tiếp tục phối hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và OUCRU tăng cường giám sát ca bệnh, giám sát các biến thể COVID-19 lồng ghép trong giám sát tác nhân viêm hô hấp tính. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trên toàn thành phố…
Không chỉ TP.HCM, nhiều địa phương trong cả nước số ca mắc Covid-19 có chiều hướng tăng trở lại. Tuy nhiên theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tình hình COVID-19 vẫn đang được kiểm soát, số mắc ghi nhận thấp, phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số nhập viện và ca nặng có tỷ lệ thấp.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch bệnh
Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã có kế hoạch xây dựng các phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch khi có biến chủng mới nguy hiểm. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức WHO, USCDC và cơ quan đầu mối thực hiện IHR các nước thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, nước ta hiện nay đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan trên diện rộng.
Để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:
- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;
- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng;
- Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng;
- Ăn chín, uống chín và đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Người dân khi có triệu chứng hô hấp cấp tính (sốt, ho khó thở....) nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người cao tuổi hoặc có bệnh nền. Người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường, tim mạch, những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai nên làm xét nghiệm sớm và tiêm phòng vaccine phòng ngừa cúm, viêm phổi để chủ động phòng ngừa các bệnh lý hô hấp khác….
- Tại sao trẻ sơ sinh ít nguy cơ nhiễm COVID-19 hơn người lớn?
- WHO kêu gọi tiêm vắcxin phòng Covid-19 trong mùa Thu và Đông
- Phòng chống COVID-19 thế nào khi bệnh này chuyển sang nhóm B?
- 11 thực phẩm chống lão hóa da hiệu quả do chuyên gia Nhật Bản bình chọn
- WHO kêu gọi siết chặt quản lý thuốc lá điện tử
- Một số thói quen ăn uống bạn cần tránh để không bị viêm
- Vì sao nấu chín táo giúp giảm cân hiệu quả hơn ăn táo tươi?
- Các loại siro ho bị WHO cảnh báo nhiễm độc chưa được cấp phép tại Việt Nam
- Hiểm họa từ việc chọn món ăn giàu chất béo để giảm stress