Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 11/09/2023, 09:31 (GMT+7)

Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết

Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng gia tăng và đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong.

sot xuat huyet Tiepthigiadinh H1
Thời tiết mưa nhiều khiến số ca sốt xuất huyết tăng nhanh

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tuần vừa qua, cả nước ghi nhận gần 4.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc sốt xuất huyết ngay trong tuần đầu của tháng 9/2023 đã vượt mốc 1.100 ca/tuần, tăng gấp đôi so với tháng 8/2023 ở khoảng 500-600 ca sốt xuất huyết/tuần. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 75.800 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong. Type virus sốt xuất huyết lưu hành chủ yếu là DEN-1, DEN-2 và không có sự khác biệt với những năm gần đây.

Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc tăng nhanh và có 2 trường hợp tử vong. Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, khí hậu và thời tiết thời điểm này rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Hà Nội đang bước vào thời kỳ cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Đáng lo ngại hơn khi tại một số nơi trên địa bàn Hà Nội, chỉ số BI - chỉ số bọ gậy vẫn nằm ở mức nguy cơ cao.

Huyện Thạch Thất vẫn đứng đầu thành phố với 751 ca sốt xuất huyết. Kết quả kiểm tra, giám sát một số ổ dịch tại đây vẫn ghi nhận chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ từ 2-3 lần ở các xã Hữu Bằng, xã Phùng Xá… Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại một số khu vực nhà trọ, hộ dân, trường mầm non tại phường Định Công, quận Hoàng Mai. Cơ quan ý tế vẫn phát hiện bể chứa nước, các chậu hoa, cây cảnh có nhiều bọ gậy…

Ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh: “Việc phun hóa chất chỉ là khâu cắt ngọn, còn gốc của vấn đề là phải loại trừ được 100% các ổ bọ gậy. Bởi, nếu các ổ bọ gậy vẫn còn tồn tại thì chỉ trong một thời gian ngắn sẽ nở thành muỗi trưởng thành và truyền bệnh. Chính vì vậy, khẩu hiệu mà ngành Y tế đưa ra là “Không có bọ gậy thì không có sốt xuất huyết”.

Lý giải về nguyên nhân khiến tình hình dịch sốt xuất huyết trở nên phức tạp, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời tiết mưa nhiều tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi khi đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, nên mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao. Thêm nữa, tuần vừa qua, học sinh, sinh viên đã quay trở lại học tập, làm gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết.

Theo ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh, các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch. Ngoài ra, mỗi cá nhân và tập thể cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa. Các nhà trường cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh cho học sinh, cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục cũng như tại hộ gia đình, cộng đồng.

Các chuyên gia khuyên người dân, khi phát hiện sốt cao liên tục, cần báo ngay cho trạm y tế hoặc đến cơ sở khám chữa bệnh để được khám, điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà. Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh muỗi đốt. Bởi những ai đã mắc phải sốt xuất huyết đều cảm thấy sởn gai ốc trước căn bệnh này, bởi nó gây tác hại lớn tới sức khỏe. Có người mắc bệnh, do chủ quan, đã dẫn tới hậu quả lớn.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít…

Cùng chuyên mục