Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 01/09/2023, 09:09 (GMT+7)

Trẻ bị sốt xuất huyết không sử dụng những thuốc này để hạ sốt

Khi trẻ bị sốt xuất huyết có triệu chứng sốt cao trên 38 độ, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ sử dụng đúng loại thuốc với liều lượng phù hợp.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue có trong muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) truyền nhiễm sang cho người. Các triệu chứng của bệnh sẽ có nhiều diễn biến khác nhau tùy trường hợp nặng, nhẹ như đau đầu, nhức mỏi, sốt cao, phát ban, ói mửa, đi ngoài ra máu,..

Trong số đó, sốt cao là triệu chứng phổ biến và thường gặp nhất đối với những người bị sốt xuất huyết, bao gồm cả trẻ nhỏ. Trường hợp sốt trên 38 độ, phụ huynh cần hạ nhiệt cho con bằng thuốc hạ sốt chuyên dụng.

Không cho trẻ uống các nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)

Khi trẻ bị sốt cao, nhiều phụ huynh thường lo lắng và muốn nhanh chóng tìm thuốc hạ sốt cho con. Tuy nhiên cần lưu ý, không được sử dụng nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như Analgin, Aspirin, Ibuprofen,.. cho bệnh sốt xuất huyết.

sot-xuat-huyet
Không sử dụng nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như Analgin, Aspirin, Ibuprofen,.. cho bệnh sốt xuất huyết (Ảnh: Freepik)

Analgin không được dùng khi sốt xuất huyết

Analgin thuộc nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Nó được chỉ định cho các trường hợp đau: khớp, xương, đau đầu, nha khoa, kinh nguyệt, đau dây thần kinh, cơ, đau cơ, nhồi máu phổi, nhồi máu cơ tim,.. hay các quá trình viêm: viêm phổi, viêm cơ tim, chấn thương, bệnh giảm áp, zona,.. Bên cạnh đó, thuốc còn được sử dụng để giảm các hội chứng sốt ở các bệnh truyền nhiễm cấp tính, có mủ và tiết niệu hay vết đối côn trùng.

Analgin không được chỉ định để hạ sốt cho trường hợp mắc sốt xuất huyết, bởi nó có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn do xuất huyết hoặc toan máu. 

Aspirin

Tương tự như Analgin, Aspirin cũng là thuốc hạ sốt, giảm đau ở liều cao và chống chỉ định trong bệnh sốt xuất huyết.

Nguyên nhân là do tác dụng chống tập kết tiểu cầu, chống đông máu của thuốc khiến hiện tượng chảy máu do sốt xuất huyết không thể cầm được. Đặc biệt, sẽ nguy hiểm hơn nếu bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa.

Ngoài ra, Aspirin còn có thể gây bỏng rát đường tiêu hóa, suy hô hấp hay gây co thắt phế quản, khiến bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng hơn.

Do đó, Aspirin không được phép dùng cho người lớn và trẻ em khi bị sốt xuất huyết. Đặc biệt, với trẻ em, nó dễ gây ra hội chứng Reye (phù não, suy gan nhiễm mỡ) với tỉ lệ tử vong lên đến 30 - 50% và có nguy cơ để lại tổn thương, di chứng não vĩnh viễn.

Ibuprofen

Ibuprofen cũng là loại thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Nó thường được dùng để hạ nhiệt, giảm đau và kháng viêm cho bệnh nhân.

Tuy tác dụng ngưng kết tập tiểu cầu của Ibuprofen không mạnh như Aspirin nhưng vẫn gây ảnh hưởng nếu sử dụng, nguy cơ khó cầm máu trong sốt xuất huyết vẫn diễn ra.

Ngoài ra, nhóm thuốc kháng viêm không steroid còn có diclofenac, piroxicam,.. nên cần lưu ý, tránh sử dụng chúng cho những bệnh nhân bị sốt xuất huyết.

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Theo chuyên gia, khi trẻ bị sốt xuất huyết, bố mẹ cần theo dõi sát sao và thực hiện một số phương pháp chăm sóc cơ bản như sau:

- Sử dụng thuốc Paracetamol để hạ nhiệt, hạ sốt cho trẻ tại nhà

Khi trẻ bị sốt trên 38 độ, bố mẹ cho uống Paracetamol với hàm lượng từ 10 - 15mg/kg, cách từ 4 - 6 tiếng.

- Không tự ý cho trẻ sử dụng các loại thuốc chưa có sự chỉ định của bác sĩ

- Cho trẻ uống nhiều nước hơn những ngày bình thường. Có thể sử dụng nước hoa quả, oresol và cho trẻ uống nhiều lần nước trong ngày.

sot-xuat-huyet 1
Cho trẻ uống nhiều nước và chia thành nhiều lần trong ngày (Ảnh: Freepik)

Chú ý không ép trẻ uống dồn một lúc với lượng nước quá nhiều sẽ gây chướng, đầy hoặc đau bụng.

- Cho trẻ nằm trong phòng thoáng mát và nới rộng quần áo.

- Đối với dinh dưỡng hằng ngày: Cho trẻ ăn các món lỏng, dễ tiêu. Hạn chế đồ cứng, chứa nhiều chất xơ. Không cho trẻ uống nước ngọt có ga hay những món có màu nâu hoặc đen để tránh gây nhầm lẫn khi chẩn đoán bệnh.

Cùng chuyên mục