Chủ nhật, 27/04/2025
logo
Xu hướng quảng cáo

Giữa kỷ nguyên AI bùng nổ: Con người vẫn khao khát sự kết nối thật

VIÊN VIÊN - ANH NAM Chủ nhật, 27/04/2025, 10:23 (GMT+7)

Trong kỷ nguyên AI bùng nổ, con người vẫn khát khao những kết nối thật, nơi cảm xúc, sự đồng cảm và giá trị văn hóa trở thành điểm tựa bền vững.

Ở TP.HCM đi chơi đâu dịp lễ 30/4 – 1/5? Check-in “cháy máy” ở loạt điểm hot này

CEO Hoà Phát: 'Bán trứng, thịt lãi nghìn tỷ dù không phải ngành chính; Không kỳ vọng lời nhiều khi làm thép đường sắt'

Hình ảnh hào hùng tại Lễ Sơ duyệt cấp Nhà nước Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo (AI) dần len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống — từ giáo dục, y tế, truyền thông cho đến nghệ thuật — nhiều người không khỏi tự hỏi: Phải chăng chúng ta đang đánh đổi sự gắn kết con người lấy sự tiện lợi vô tận? Giữa cơn lốc công nghệ ấy, một điều vẫn được nhấn mạnh, vang vọng trong tâm thức của những người làm nghề sáng tạo: Điểm chạm cảm xúc giữa con người với con người là thứ AI không thể thay thế.

Đó cũng là thông điệp chính được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm "Chuyện nghề quảng cáo" do Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn phối hợp với Hội Quảng cáo TP.HCM (HAA) tổ chức mới đây. Một sự kiện, một khoảnh khắc để những người làm nghề tạm dừng bước, nhìn lại bản chất của kết nối trong thế giới đang dần số hóa.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải Minh – Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Công nghệ đào tạo Hội Quảng cáo TP.HCM – AI là xu thế không thể đảo ngược. “Nhà nhà dùng AI”, ông khẳng định. Từ việc xử lý dữ liệu trong tích tắc, sáng tạo nội dung quảng cáo trong vài giây, đến tạo ra những bức tranh, bài thơ khiến người xem không thể phân biệt được đâu là sản phẩm của máy móc, đâu là bàn tay con người.

Thế nhưng, giữa sự siêu tốc và tiện lợi ấy, câu hỏi lớn hơn vẫn tồn tại: Con người sẽ đi đến đâu nếu đánh mất những điểm chạm nhân văn? Tiến sĩ Minh chia sẻ một hình ảnh quen thuộc: Khi bạn gọi điện đến tổng đài, thay vì nghe tiếng người thân thiện, bạn trò chuyện với trợ lý ảo vô cảm. Không còn những lời hỏi thăm ấm áp, không còn những tiếng cười tự nhiên. Công nghệ càng tiến bộ, sự trống trải trong lòng người càng lớn dần.

Bởi suy cho cùng, sâu thẳm trong mỗi người, nhu cầu được lắng nghe, được thấu hiểu — những nhu cầu rất người — vẫn luôn hiện hữu. Và đó là điều mà dù AI có "thông minh" đến đâu, cũng khó lòng chạm tới.

1-0714
Nhà nhà dùng AI – Nhưng đâu là giới hạn?

Không phủ nhận những lợi ích to lớn mà AI mang lại, song các chuyên gia cũng cảnh báo về mặt trái của sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ.

Thầy Trương Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn khẳng định vai trò của việc tích hợp kiến thức lý thuyết với hoạt động thực hành thông qua các chương trình học tập kết hợp trải nghiệm. Theo thầy, chỉ trong vòng hai tuần, Khoa Truyền thông Đa phương tiện và Quan hệ Công chúng đã tổ chức ba hoạt động học thuật lớn minh chứng cho sự năng động và sáng tạo trong công tác đào tạo.

“Chúng tôi xem đây là mô hình ‘một mũi tên trúng hai đích’ vừa tạo sân chơi học thuật, vừa giúp sinh viên áp dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tế trong ngành quảng cáo,” thầy Hùng nhấn mạnh.

Thầy cũng chia sẻ quan điểm đào tạo xuyên suốt của nhà trường là đưa doanh nghiệp và yêu cầu nghề nghiệp thực tế vào trong môi trường học đường. Đây được xem là con đường nhanh và hiệu quả nhất giúp sinh viên phát triển kỹ năng, tiếp cận công việc thực tế ngay trong thời gian học tập tại trường.

Thầy Trương Văn Hùng cũng gửi gắm đến sinh viên tinh thần sáng tạo trong học tập và lập nghiệp, đồng thời nhấn mạnh yếu tố “khác biệt nhưng không dị biệt” là nguyên tắc quan trọng khi phát triển ý tưởng truyền thông hoặc sản phẩm sáng tạo.

“Khởi nghiệp không chỉ là tạo ra một sản phẩm lớn lao. Hãy bắt đầu từ những ý tưởng truyền thông đơn giản nhưng sáng tạo và thực tế. Đó cũng chính là hành trình khởi nghiệp bền vững", thầy chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Đảo – Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM – chỉ ra rằng: Nếu thiếu nền tảng kiến thức vững chắc, con người dễ dàng trở thành cái bóng của công nghệ. "Thông tin giờ đây tràn lan như nước vỡ bờ nhưng lại thiếu chiều sâu," ông Đảo nhận định. "Người trẻ rất dễ lệch chuẩn về nhận thức, từ đó dẫn đến những hệ quả đáng tiếc như vạ miệng, phát ngôn gây tranh cãi trên mạng xã hội."

Theo ông, việc vận dụng AI hiệu quả đòi hỏi trước tiên ở con người khả năng nắm chắc nền tảng tri thức xã hội, kinh tế, văn hóa. Có kiến thức nền, con người mới làm chủ được công nghệ, mới biết phân biệt giữa cái đúng và cái dễ dãi, giữa cái thật và cái được "sản xuất" hàng loạt bởi máy móc.

Bà Vũ Thanh Hà – Giảng viên Khoa Công nghệ công chúng – Truyền thông Đại học Văn Lang – cũng bổ sung thêm một khía cạnh đầy cảm xúc: Trong quảng cáo hiện đại, AI có thể trở thành "cỗ máy viết content siêu phàm", nhưng chỉ có trái tim con người mới thổi được sự rung động vào từng chiến dịch.

“AI có thể viết đúng ngữ pháp, đúng cú pháp. Nhưng sự trắc ẩn, sự cảm động khiến người xem rơi nước mắt hay bật cười, thì chỉ con người mới có thể tạo ra," bà Hà nhấn mạnh.

6-0717
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm.

Đi xa hơn cảm xúc cá nhân, yếu tố văn hóa cũng được các chuyên gia đánh giá là "kim chỉ nam" giúp các thương hiệu băng qua cơn bão công nghệ.

Ông Phạm Ngọc Cường – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Quảng cáo TP.HCM – khẳng định: "Truyền thông trắc ẩn sẽ là con đường giúp thương hiệu khác biệt trong kỷ nguyên số hóa. Công nghệ có thể nhân bản thông tin, nhưng không thể nhân bản được lòng trắc ẩn, sự đồng cảm."

Trong bối cảnh người tiêu dùng hiện đại ngày càng tỉnh táo, ngày càng nhạy cảm trước những chiêu trò marketing "vô hồn", sự chân thành, đồng cảm trở thành tài sản vô giá mà không một công nghệ nào sao chép được.

Bên cạnh đó, văn hóa – từ truyện dân gian, tập tục truyền thống đến tinh thần dân tộc – được xem là chất liệu quý giá để thương hiệu bồi đắp bản sắc riêng. Không còn đơn thuần là bán sản phẩm, doanh nghiệp hiện nay còn bán cả những giá trị tinh thần, những câu chuyện chạm đến trái tim người tiêu dùng.

"Chính văn hóa tạo nên bản sắc thương hiệu, xây dựng lòng tin nơi khách hàng," ông Cường khẳng định. Trong thế giới mà thật – giả lẫn lộn, giữ được giá trị thật, bản sắc thật của chính mình chính là tấm vé an toàn để thương hiệu và con người tồn tại lâu dài.

Như vậy có thể thấy chúng ta không phủ nhận những cơ hội mà AI mang lại. Nhưng chúng ta cũng không quên rằng, đằng sau mỗi chiến dịch quảng cáo thành công, mỗi câu chuyện khiến lòng người rung động, vẫn luôn cần một trái tim biết cảm nhận, biết đồng cảm.

Trong kỷ nguyên AI bùng nổ, những con người biết giữ vững bản sắc, nuôi dưỡng lòng nhân ái và không ngừng bồi đắp tri thức sẽ là những người chiến thắng cuối cùng. Bởi dù thế giới có thay đổi đến đâu, khao khát kết nối thật, lòng tin thật, cảm xúc thật của con người vẫn là thứ bất biến.

“ADTalk – Chuyện nghề Quảng cáo” không chỉ là một buổi giao lưu nghề nghiệp, mà còn là mô hình học tập thực tiễn nơi sinh viên tiếp cận ngành nghề một cách sống động, trực diện và đầy cảm hứng. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập và đáp ứng sát với nhu cầu của thị trường lao động.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục