Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 08/04/2024, 09:16 (GMT+7)

Ghi nhận ca cúm A/H9N2 đầu tiên ở Việt Nam, cần lưu ý những gì?

Cúm A/H9N2 mới chỉ phát hiện ở Trung Quốc. Đây là trường hợp phát hiện cúm A/H9N2 đầu tiên ở Việt Nam.

Ca cúm A/H9N2 đầu tiên ở Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ca cúm A/H9N2 đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam là bệnh nhân nam, 37 tuổi ở xã Tân Lý, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. 

Bệnh nhân nam làm thợ hồ, tỉnh Tiền Giang, được chuyển lên TP.HCM điều trị với chẩn đoán theo dõi xuất huyết tiêu hóa trên nền loét dạ dày, kèm xơ gan do rượu, theo dõi nhiễm trùng huyết. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng viêm phổi nên được chỉ định lấy mẫu làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm lần 1 cho kết quả dương tính cúm A. Sau đó, Phòng xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) giải mã trình tự gen xác định bệnh nhân mắc virus cúm A/H9N2.

cum A
Các chủng cúm lây từ gia cầm sang người bao gồm: H5N1, H7N9, H7N3, H9N2, H10N8...

Lập tức, Cục Cục Thú y đã chỉ đạo cơ quan thú y địa phương phối hợp với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức điều tra nguyên nhân để khuyến cáo người dân. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm. Do đó, cơ quan thú y đã tổ chức lấy mẫu gia cầm ở cạnh nhà bệnh nhân, với mỗi mẫu gộp được lấy trên 5 gia cầm riêng biệt. Đến thời điểm này, Cục đã lấy 7 mẫu nhưng kết quả đều cho âm tính.

Lãnh đạo Cục Thú y cho biết, hiện trên thế giới, cúm A/H9N2 mới chỉ phát hiện ở Trung Quốc. Đây cũng là trường hợp phát hiện cúm A/H9N2 đầu tiên ở Việt Nam. Trước nay trên cả nước chưa phát hiện cúm A/H9N2 gây bệnh trên gia cầm và chưa phải báo cáo dịch bệnh, đồng thời chưa phát hiện trường hợp nào lây cúm A/H9N2 từ người sang người. Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, bởi vậy, lãnh đạo Cục Thú y cho rằng, con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A/H9N2 nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.

Khuyến cáo tới người dân

Cúm A/H9 là bệnh do virus gây ra tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Người bệnh thường có các triệu chứng ho, sốt, nhức đầu, khó chịu và các dấu hiệu của viêm long đường hô hấp như chảy mũi, hắt hơi…

Các chủng cúm A khác thường gặp như H5N1, H7N9, H7N3, H9N2, H10N8 đều có thể lây từ gia cầm sang người. Tính tới thời điểm hiện tại, trong các chủng cúm A có cúm A/H1N1 lây trực tiếp từ người sang người.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tình trạng viêm phổi do virus, tổn thương tiến triển nhanh có thể gây suy hô hấp thậm chí tử vong. Trường hợp mắc cúm A/H5N1 tại Khánh Hòa được Bộ Y tế công bố cách đây không kâu đax tử vong.

cum A
Không tự ý giết mổ gia cầm chết mà cần báo ngay cho cơ quan chức năng

Cục Thú ý khuyến cáo người dân:

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc và hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy….

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

- Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm cho dù gia cầm có nhiễm bệnh hay không. Nếu gia đình có nuôi gia cầm thì khi dọn dẹp sân chuồng nên đeo khẩu trang, tiêu hủy chất thải của gia cầm một cách an toàn ở xa nơi sinh hoạt và chăn nuôi.

- Tuân thủ quy tắc an toàn khi giết mổ gia cầm như: đeo khẩu trang, găng tay, cẩn thận để tránh tiếp xúc với chất thải, lông, máu và lòng của gia cầm. Sau khi mổ thì phải rửa tay bằng xà phòng để diệt khuẩn.

- Rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thức ăn; rửa tay trước và sau khi ăn; rửa tay sau khi tiếp xúc với bất kì bộ phận nào của gia cầm... Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là tốt nhất vì xà phòng có khả năng sát khuẩn, tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh.

- Khi có những dấu hiệu như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực dữ dội, khó thở, nghe phổi có tiếng ran, tím tái nhanh, mệt mỏi rã rời, tiêu chảy, rối loạn ý thức thì cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.​

Cùng chuyên mục