Bạn có thể mắc sai lầm gì khi tự trị cúm A tại nhà?
Người mắc bệnh cúm A có thể tự chữa trị tại nhà nhưng nếu không đúng cách có thể mắc những biến chứng nguy hiểm.
Đông đặc phổi vì tự chữa cúm A tại nhà
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến điều trị trong tình trạng bệnh cúm A đã trở nặng, nhiều biến chứng trên phổi, cơ, não… phải thở oxy hỗ trợ. Trong đó, rất nhiều trường hợp tự mua thuốc uống ở nhà, đến khi thấy bệnh trở nặng mới đến bệnh viện khám.
Điển hình là bệnh nhân nam ở TP. Việt Trì nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, mệt nhiều, suy hô hấp SPO2 85-90%, phổi nhiều rales xuất tiết và co thắt. 3 ngày trước vào viện, người bệnh bị sốt, ho, đau họng, ở nhà tự điều trị bằng thuốc cảm cúm thông thường nhưng không đỡ. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường.
Bệnh nhân đã được khám và làm cận lâm sàng: test cúm A dương tính, CT ngực viêm phổi lan tỏa và đông đặc. Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc kháng cúm Oseltamivir, chống bội nhiễm bằng kháng sinh, thở oxy, khí dung. Sau 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh cải thiện tốt lên rõ rệt: hết sốt, giảm viêm long, hết khó thở… Người bệnh hiện tiến triển tốt, sức khỏe ổn định và đã được xuất viện về nhà.
BSCKI. Đặng Thị Thu Phương – Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Đa khoa Phú Thọ cho biết, bệnh cúm A dễ gây biến chứng, tiêu biểu là biến chứng ở phổi, ở những đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai… Tuy nhiên, có không ít trường hợp bị biến chứng do chủ quan tự chữa tại nhà, đến khi nhập viện thì bệnh đã trở nặng.
Bác sĩ khuyên những trường hợp nhẹ không có bệnh nền, chỉ cần kê đơn uống thuốc và theo dõi tại nhà. Những trường hợp có bệnh lý nền phát hiện sớm sẽ giảm thiểu khả năng tiến triển nặng của bệnh, hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra. Những đối tượng có nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người trong trại dưỡng lão, người có bệnh lý nền, nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh… cần chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nhiễm và nghi nhiễm cúm, sát khuẩn tay, không tụ tập đông người khi có dịch lưu hành…
Những sai lầm dễ mắc phải khi dùng thuốc điều trị cúm A?
Triệu chứng của bệnh cúm A rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế, người dân chú ý không mắc những sai lầm sau khi dùng thuốc điều trị cúm A:
Tự dùng kháng sinh
Nhiều người cho rằng uống kháng sinh sẽ nhanh chóng giảm các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, cúm A là bệnh do virus nên kháng sinh không có tác dụng. Kháng sinh chỉ có tác dụng khi có bội nhiễm. Tự ý dùng kháng sinh có thể gây các tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí có thể dẫn đến vi khuẩn kháng kháng sinh.
Tự dùng thuốc Tamiflu
Thuốc Tamiflu được sử dụng và biết đến để điều trị bệnh cúm. Nhiều người vì thế mà lạm dụng Tamiflu, chỉ cần hắt hơi, sổ mũi, ho, mệt mỏi… là tìm mua loại thuốc này về tự điều trị. Không phải bệnh nhân cúm nào cũng phải dùng Tamiflu. Ở các trường hợp mắc cúm nhẹ (chiếm khoảng 80-90% các trường hợp cúm A), có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Kết hợp quá nhiều thuốc
Nhiều người thường dùng các loại thuốc khác nhau để trị triệu chứng khi bị cúm như thuốc cúm, thuốc giảm đau, hạ sốt… Tuy nhiên, việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc có thể vô tình làm tăng liều thuốc, do thành phần của nhiều loại thuốc trị ho, hắt hơi, sổ mũi có chứa Paracetamol. Nếu dùng Paracetamol quá liều có thể gây ngộ độc gan.
Tự ngừng dùng thuốc hoặc tăng, giảm liều thuốc
Khi các triệu chứng bệnh thuyên giảm, nhiều người tự ngưng thuốc. Thế nhưng, các triệu chứng bệnh thuyên giảm chưa chắc virus trong người đã bị tiêu diệt hết. Việc uống không hết đơn thuốc của bác sĩ, tự ý ngưng dùng thuốc có thể khiến cho virus nhanh chóng quay trở lại khiến bệnh tái phát. Nếu đã dùng hết liều thuốc mà chưa khỏi, hãy đi khám để được bác sĩ chỉ định kịp thời, tránh nhờn hoặc ngộ độc thuốc.
Dùng thuốc dân gian không rõ nguồn gốc
Tuyệt đối không dùng các bài thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa cảm cúm bởi có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Bạn cũng không nên "xông hơi" bằng cách đóng kín cửa, trùm chăn để toát mồ hôi... Việc làm này khiến bệnh trầm trọng hơn do gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức ở trẻ, từ đó suy giảm sức đề kháng, thậm chí có nguy cơ bỏng nặng.
- Mắc cúm A có tự dùng thuốc Tamiflu được không?
- Số lượng trẻ mắc cúm A tăng cao, cha mẹ phòng tránh cho con thế nào?
- Cúm A đang có nguy cơ bùng phát trở lại, cẩn thận phòng ngừa bệnh và biến chứng nguy hiểm cho trẻ