Cúm A H5 có nguy hiểm không?
Ca cúm A H5 đầu tiên của Việt Nam kể từ đầu năm 2024 vừa được ghi nhận tại Khánh Hòa.
Ca cúm A H5 đầu tiên năm 2024
Ngày 22/3, ông Tôn Thất Toàn - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa (CDC Khánh Hòa) cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận 1 trường hợp nhiễm cúm A H5. Bệnh nhân nam 21 tuổi nhiều ngày trước có triệu chứng sốt, ho nhẹ và tự mua thuốc ở một tiệm thuốc trên địa bàn để uống nhưng bệnh tình không giảm. Bệnh khởi phát ngày 11/3, khi bệnh nhân về nhà ở xã Ninh Trung, với triệu chứng sốt, ho nhẹ. Bệnh nhân tự mua thuốc uống và điều trị ở các cơ sở y tế địa phương nhưng bệnh không giảm.
Ngày 15/3, nam sinh trở về nhà ở TX Ninh Hòa, tiếp xúc với mẹ và em gái, sau đó đến khám tại cơ sở 2 của Trung tâm Y tế TX Ninh Hòa. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm họng - thanh quản cấp/theo dõi sốt xuất huyết Dengue, được đề nghị nhập viện nhưng không đồng ý, xin kê đơn về điều trị ngoại trú.
Ngày 16/3, nam sinh sốt cao, đau bụng quanh rốn, đi cầu lỏng, nhập Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực TX Ninh Hòa và được chẩn đoán nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết có dấu hiệu cảnh báo và chuyển vào Khoa Truyền nhiễm điều trị. Ngày 17/3, bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa. Bệnh viện Đa khoa tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm gởi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm và đến ngày 20/3 cho kết quả dương tính với cúm A H5. Bệnh nhân hiện cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa với tình trạng bệnh bắt đầu trở nặng.
CDC Khánh Hòa đã lập danh sách 14 cán bộ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 6 cán bộ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để theo dõi sức khỏe, thực hiện khử khuẩn các khu vực khám, điều trị, xe vận chuyển, nơi sinh hoạt và học tập của bệnh nhân… Người nhà bệnh nhân, bạn cùng lớp và cùng phòng được theo dõi sát tình hình sức khỏe.
Đây là ca cúm A H5 đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam kể từ đầu năm 2024 đến nay. Hiện, CDC Khánh Hòa đang theo dõi các trường hợp tiếp xúc, có liên quan, đồng thời khẩn trương điều tra tìm nguồn lây.
Con đường lây nhiễm của cúm A H5
Cúm A H5 là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính có diễn biến nguy hiểm ở người và động vật. Cúm A H5 có mức độ nguy hiểm cao hơn so với những chủng cúm mùa thông thường. Người bệnh cúm A H5 có thể gặp biến chứng nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở những đối tượng nguy cơ cao. Hiện có 9 phân nhóm virus cúm A H5 đã được biết đến, bao gồm: A(H5N1), A(H5N2), A(H5N3), A(H5N4), A(H5N5), A(H5N6), A(H5N7), A(H5N8), A(H5N9).
Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân nhiễm cúm A H5 hay cúm gia cầm ở người, chủ yếu là do người nhiễm virus A/H5N1 chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị nhiễm bệnh. Những nguyên nhân khiến cúm A H5 dễ bùng phát mạnh ở cộng đồng bao gồm:
- Sinh sống gần các trang trại gia cầm và lợn là điều kiện thuận lợi làm tăng tính đột biến kháng nguyên virus, làm virus dễ lây nhiễm.
- Một số chợ trời, nơi bán gia cầm, trứng nhưng điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
- Ăn thịt gia cầm và trứng chưa được nấu chín…
Dấu hiệu cúm A H5
Virus cúm A H5 khi tấn công vào cơ thể người sẽ xâm nhập vào tế bào chủ sau đó nhanh chóng tự nhân bản ra khắp cơ thể. Điều này khiến hệ miễn dịch của người bệnh yếu đi nhanh chóng và sau cùng là không còn khả năng chống đỡ. Người bệnh cúm A H5 thường có các triệu chứng tương tự với khi nhiễm cúm thông thường và kèm theo một vài dấu hiệu nguy hiểm hơn. Những triệu chứng nhận biết cúm A H5 ở người thường bắt đầu trong khoảng 2-5 ngày kể từ lúc bị virus cúm A H5 xâm nhập:
- Sốt cao trên 38℃ (diễn ra đột ngột).
- Đau đầu, rét run.
- Tim đập nhanh, cảm thấy khó thở, bị đau ngực.
- Ho, đau họng, thường ho có đờm, ho khan.
- Mệt mỏi rã rời, đau nhức cơ.
Các triệu chứng cúm A H5 diễn ra nặng hơn chỉ sau nửa ngày. Lúc này, người bệnh có thể bị suy hô hấp cấp với các triệu chứng như thở nhanh, khó thở, tím tái da, thậm chí cảm thấy đau toàn thân, mê man.
Ngoài việc chủ động thực hiện tiêm vaccine ngăn ngừa bệnh cúm A nói chung, để đề phòng bệnh cúm A H5 lây nhiễm sang người, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần áp dụng nghiêm túc những biện pháp dưới đây:
- Không giết mổ, sử dụng gia cầm ốm/chết chưa rõ nguyên nhân.
- Không buôn bán, dùng trứng, thịt và sản phẩm gia cầm chưa rõ nguồn gốc.
- Không ăn tiết canh, trứng, thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ lưỡng.
- Khi phát hiện có gia cầm bị ốm/chết bất thường phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
- Nếu xuất hiện những triệu chứng cúm có liên quan đến việc tiếp xúc với gia cầm, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám, chữa trị.