Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 03/10/2023, 15:32 (GMT+7)

Độ cận tăng nhanh, cha mẹ hối hận vì chủ quan với trẻ lười đeo kính

Đầu năm học lớp 1, Linh Đan (7 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) mới chỉ cận thị -1 diop thì vừa bước sang lớp 2, số độ đã tăng đến -3 diop. Nguyên nhân là do suốt năm học trước Linh Đan không chịu đeo kính, cha mẹ cũng chủ quan cho rằng cận nhẹ không cần phải đeo.

Tăng độ nhanh

Mẹ Linh Đan cho biết, năm ngoái đã cắt kính cận cho con nhưng mỗi lần đeo kính đều bị tuột xuống tận dưới mũi. Thấy con thường xuyên phải dùng tay giữ kính dù đã có dây đeo phía sau, nghĩ con mới cận có -1 diop nên chị chủ quan, không tập cho bé đeo kính ngay cả khi học bài hay xem tivi. Một năm sau, trước khi vào học lớp 2 đưa con đi kiểm tra lại thị lực của bé đã tăng đến -3 diop. 

Con trai anh Nguyễn Hùng (Gia Lâm, Hà Nội) năm nay 8 tuổi. Trước thời điểm dịch Covid-19 anh Hùng từng đưa con đi khám mắt phát hiện cận thị bẩm sinh, nhưng lúc đó bé mới 5 tuổi chưa đi học nên anh không cho con đeo kính. Mãi đến tận năm nay khi con vào lớp 3, anh Hùng mới đưa con đi khám lại mắt thì số độ đã tăng đến -4 diop. Anh Hùng ngạc nhiên không hiểu vì sao mắt con tăng độ nhanh, con trai cũng không kêu với bố mẹ mắt nhìn mờ.

Ths.Bs Hoàng Thanh Nga – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, đối với trẻ dưới 18 tuổi mắt chưa phát triển toàn điện, độ cận mỗi năm thường tăng trung bình từ 0,50 – 1.00 diop, một số trường hợp có thể tăng hơn -1.00 diop mỗi năm do chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ như độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, thời gian nhìn gần, thời gian hoạt động ngoài trời…

Cận thị đeo kính thường xuyên hoặc không thường xuyên tuỳ thuộc vào từng độ tuổi, mức độ cận thị và chỉ dẫn của bác sĩ. Với độ cận dưới -1 diop ở người trưởng thành có thể không cần đeo kính thường xuyên, chỉ cần đeo khi muốn nhìn xa rõ.

Với trẻ em, khi đã bị cận tốt nhất nên đeo kính thường xuyên để đảm bảo thị lực tốt nhất, hạn chế nguy cơ tăng độ nhanh.

kham mat
Trẻ lười đeo kính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tăng độ nhanh

Trẻ bị cận thị đeo kính không đúng số, chỉ dẫn và khuyến cáo của bác sĩ trong thời gian dài sẽ khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn, lâu dần khiến mắt khô, nhức và mỏi mắt, tăng nguy cơ dẫn tới suy giảm thị lực, độ cận tăng nhanh hoặc nhược thị với nhưng trẻ bị cận thị lệch với số độ cao.

3 cách chữa bệnh “lười đeo kính”

Theo Ths.Bs Hoàng Thanh Nga, có nhiều lý do khiến trẻ lười đeo kính, nhất là với trẻ em còn nhỏ tuổi và lần đầu tiên đeo kính. Quan trọng là bố mẹ phải tập cho con thói quen đeo kính, nhất là khi ngồi học bài hoặc xem tivi. Đồng thời, cha mẹ cần lưu ý một số điểm sau để giúp trẻ “làm bạn” với chiếc kính:

Đeo kính đúng độ cận: Đeo kính không đúng độ cận khiến mắt trẻ phải điều tiết nhiều hơn, gây nhức, mỏi mắt, dẫn tới tăng độ nhanh. Tốt nhất nên cho trẻ đeo kính đúng độ cận để đảm bảo thị lực tốt nhất.

Dùng kính đảm bảo chất lượng: Dùng kính kém chất lượng sẽ khiến mắt trẻ dễ bị đau, mỏi mắt, khó chịu, lâu dần sẽ ảnh hưởng không tốt đến mắt. Vì vậy, cha mẹ nên tìm mua kính tại các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín mới có thể đảm bảo chất lượng mắt kính.

Do mắt cận vốn yếu hơn người bình thường nên chọn tròng kính có những chức năng bảo vệ mắt như chống ánh sáng xanh, chống chói, chống tia cực tím,... Gọng kính cũng cần phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với gương mặt của trẻ ngoài mang lại sự thoải mái còn giúp tăng sự tự tin. Chọn kính quá nặng khiến trẻ khó chịu dễ dẫn tới việc lười đeo kính.

Khám mắt định kỳ: Cùng với việc lười đeo kính thì rất nhiều cha mẹ cũng thường  quên lịch khám mắt định kỳ cho trẻ. Đối với trẻ đã bị tật khúc xạ thì việc khám mắt định kỳ là rất quan trọng, giúp kiểm soát độ tật khúc xạ cho trẻ, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường ở mắt, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.

Tốt nhất trẻ nhỏ nên được khám mắt định kỳ 6 tháng /lần, hoặc bất cứ khi nào trẻ cảm thấy mắt có dấu hiệu khó chịu, nhìn mờ cần được kiểm tra và cắt kính mới cho phù hợp.

Cùng chuyên mục