Cuộc chiến khốc liệt chống video quảng cáo sai lệch
Video quảng cáo sai lệch, nội dung độc hại đang “nở rộ” khắp các mạng xã hội - nền tảng quan trọng cho việc quảng cáo sản phẩm và tiếp cận khách hàng.
Video quảng cáo sai lệch xuất hiện nhan nhản
Mới đây, Công ty xe Dat Bike đã lên tiếng xin lỗi vì đoạn quảng cáo có hình ảnh hai nghệ sĩ xiếc lái xe trong tư thế nguy hiểm, chồng đầu lên nhau và không đội mũ bảo hiểm. Mặc dù hậu trường tiết lộ sau đó chứng minh hai nghệ sĩ Quốc Nghiệp, Quốc Cơ quay video quảng cáo trong sự hỗ trợ an toàn của ekip nhưng nhiều ý kiến cho rằng, hành vi biểu diễn trong quảng cáo tạo sự nguy hiểm, không tuân thủ luật giao thông và không tạo ra giá trị tích cực
Dẫu vậy, sai sót đã được thực hiện trong đoạn quảng cáo vẫn được nhiều người tiêu dùng thông cảm vì nhãn hàng đã có động thái nhận lỗi và chủ động “tạm khóa” clip.
Thực tế, có rất nhiều video quảng cáo khác có nội dung phản cảm, độc hại, phóng đại công dụng của sản phẩm để lừa dối khách hàng vẫn xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Cách đây không lâu, một đoạn quảng cáo của hãng thuốc bổ não đã gây bức xúc cho người xem vì nội dung phản cảm.
Cụ thể, đoạn trò chuyện của người đàn ông kể cho bạn mình, rằng mẹ ruột phải uống thuốc bổ não nên đầu óc mới minh mẫn, tỉnh táo, còn người vợ do không uống thuốc bổ nên sức khỏe suy giảm. Nhân vật người chồng còn chê vợ mình thiếu hiểu biết, nghiệp chướng nặng nề do không uống thuốc.
Rất nhiều video quảng cáo khác, nhất là liên quan tới thuốc/sản phẩm chức năng bị thổi phồng, cam kết hiệu quả thần kỳ như “thần dược” hoặc dùng nhân vật giả danh người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trong giới y học để khẳng định chất lượng của sản phẩm.
Các nội dung quảng cáo vi phạm quy tắc đạo đức và quy chuẩn xã hội xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Đáng chú ý là, nhiều người tiêu dùng không đủ tỉnh táo và sáng suốt, tin nghe theo lời chào mời của quảng cáo sai sự thật có thể bị ảnh hưởng sức khỏe do dùng sai công dụng của sản phẩm.
Hạn chế video quảng cáo phản cảm, sai sự thật như thế nào?
Không chỉ gây tiêu cực tới tâm lý, ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm của người tiêu dùng, các video quảng cáo lệch lạc trên mạng xã hội còn ảnh hưởng tiêu cực tới thế hệ trẻ em khi thụ động tiếp xúc. Quảng cáo không phù hợp độ tuổi hoặc có tính chất phi giáo dục có thể gây nhiễu loạn tâm lý, lệch lạc nhận thức ở trẻ nhỏ.
Các cơ quan quản lý đã thực hiện hàng loạt các hành động chấn chỉnh mạnh mẽ, xử phạt công ty và nghệ sĩ quảng cáo không đúng sự thật. Đồng thời, xây dựng các biện pháp ngăn chặn hiện tượng quảng cáo sản phẩm phản cảm. Tuy nhiên, do quảng cáo trên mạng xã hội đa phần là nền tảng xuyên biên giới nên chất lượng quảng cáo cũng phụ thuộc vào nền tảng mạng. Facebook, TikTok, YouTube chưa phát huy được tốt vai trò kiểm duyệt và quản lý, dẫn đến nội dung quảng cáo độc hại, sai lệch xuất hiện tràn lan.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, mạng xã hội, đặc biệt là nền tảng xuyên biên giới khó kiểm soát nội dung quảng cáo. Chính vì thế, người dùng phải chủ động tránh xa các quảng cáo lệch lạc bằng cách block, báo cáo vi phạm, không chia sẻ video quảng cáo, không ủng hộ dưới bất cứ hình thức nào.
Nếu thấy xuất hiện video quảng cáo lệch chuẩn, cần lên tiếng và báo cáo với cơ quan chức năng để xử lý. Các cơ quan quản lý đang cố gắng kiểm tra các quảng cáo trên mạng xã hội, xử lý các đường link ảo, website lừa đảo để bảo vệ người tiêu dùng khỏi cạm bẫy.