Xử phạt 675 triệu đồng do vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng
Vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng trên nền tảng công nghệ số đang ở mức đáng báo động khi hình thức mời chào, thổi phồng công dụng vượt quá nội dung đã được thẩm định.
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc mà là sản phẩm dùng để hỗ trợ chức năng cơ thể của con người, tăng sức đề kháng, giảm bớt các nguy cơ mắc bệnh. Đây là sản phẩm được đánh giá là phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, tăng từ vài chục loại thực phẩm chức năng (chủ yếu là nhập khẩu) lên tới hàng chục nghìn sản phẩm trong hơn 20 năm. Trong đó, có tới hơn 70% thực phẩm chức năng bày bán trên thị trường là sản xuất trong nước.
Điều này đặt ra yêu cầu với các cơ quan chức năng là phải quản lý tốt, đồng thời tạo điều kiện cho những thực phẩm chức năng chất lượng tới tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhanh chóng xử lý các sản phẩm là hàng nhái, hàng giả bán tràn lan trên chợ mạng, các hiệu thuốc, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, có nhiều văn bản luật và dưới luật quy định về quản lý thực phẩm chức năng ở nước ta: Luật An toàn thực phẩm; Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP; Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP); Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định về thực phẩm chức năng; Thông tư 17/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về ATTP do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.
Trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thực phẩm chức năng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP; Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2018/NĐ-CP; Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
TS. Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay: “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có đầy đủ các quy định để quản lý thực phẩm chức năng”. Qua đó, cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ căn cứ xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thực phẩm chức năng.
Thời gian qua, Bộ Y tế nói chung và Cục An toàn thực phẩm nói riêng đã xử phạt nhiều công ty lên đến hàng tỷ đồng. Bên cạnh xử phạt hành chính, thực hiện chuyển hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm sang xử lý theo luật hình sự.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các vi phạm hành chính liên quan tới quảng cáo thực phẩm chức năng diễn ra liên tiếp, số tiền phạt lên tới 675 triệu đồng, bằng một nửa so với tổng tiền phạt năm 2022 là 1,2 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, có tới 472 đường link vi phạm, trong đó có 146 đường link Facebook, 123 đường link thuộc trang thương mại điện tử và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Trong quý IV/2023, Bộ Y tế sẽ phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng cùng các cơ quan khác, kiểm tra và xử lý triệt để các tổ chức, công ty, doanh nghiệp vi phạm.