Thứ năm, 14/09/2023, 05:56 (GMT+7)

Bắt giữ các đối tượng mạo danh lương y, bán thực phẩm chức năng

Hoàng Ngân (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Các đối tượng đang không ngừng gây nhiễu loạn thị trường thực phẩm chức năng, mạo danh lương y lấy lòng khách hàng, lừa bán “thần dược” cho dân.

Chưa khi nào người tiêu dùng lại phải chứng kiến thị trường thực phẩm chức năng rối loạn như hiện nay. Người bán dùng mọi thủ đoạn để bán được hàng như thổi phồng công dụng, thuê người nổi tiếng quảng cáo. Nghiêm trọng hơn, rất nhiều đối tượng đang bán rẻ đạo đức, thực hiện các chiêu trò mạo danh lương y, thầy thuốc giỏi để lấy lòng tin của khách hàng.

Bán hàng không chừa thủ đoạn

Thời gian vừa qua, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện quảng cáo của nhiều loại thực phẩm chức năng được tung hô như thần dược, chữa được bách bệnh. Cách thức vi phạm quảng cáo là thổi phồng công dụng, liệt kê bát nháo các thành phần; dùng nhận xét của khách hàng và người nổi tiếng để tâng bốc sản phẩm.

Ngay cả khi “làn sóng” các nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng đã lắng xuống, một số người bán vẫn bất chấp sử dụng hình ảnh của người làm trong ngành y để tăng uy tín cho sản phẩm. Cụ thể, tại trang Facebook bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe, công khai gắn hình ảnh bác sĩ - nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, kèm theo số điện thoại để tư vấn cho khách hàng.

Một trường hợp mạo danh bác sĩ Bệnh viện 108 quảng cáo thực phẩm chức năng vừa bị bệnh viện cảnh báo.
Một trường hợp mạo danh bác sĩ Bệnh viện 108 quảng cáo thực phẩm chức năng vừa bị bệnh viện cảnh báo.

Thậm chí, có một trường hợp giả danh bác sĩ tên Nguyễn Thị Hiền công tác ở Bệnh viện Nhi Trung ương khám, tư vấn và bán thuốc thực phẩm chức năng cho trẻ em sử dụng. Đối tượng quảng cáo về loại bút thần kỳ, chỉ cần chạm vào da của các bé là đã có thể phát hiện trẻ thiếu chất gì. Tuy nhiên, theo các cơ quan chuyên môn về y tế thì đây chỉ là chiêu trò hù dọa của kẻ xấu nhằm mục đích bán thực phẩm chức năng.

Chị Nguyễn Thu Ngân (Quảng Xương, Thanh Hóa) là một trong những nạn nhân của chiêu trò này. Theo lời kể, chị Ngân vô tình lướt Facebook thì thấy đoạn video quảng cáo về loại bút thần kỳ này và đã mua về để kiểm tra cho con gái. “Sau khi một người bạn bác sĩ xác nhận bút không có tác dụng, tôi thấy rất thất vọng, nhưng cũng rất may tôi chưa quyết định mua thực phẩm chức năng của họ. Nếu không chắc sẽ vừa mất tiền lại rước thêm bệnh vào người”, chị Ngân cho biết thêm.

Fanpage giả mạo mọc nhanh như nấm
Fanpage giả mạo mọc nhanh như nấm

Ông Lê Hoàng Thái (Thường Tín, Hà Nội) là người bị bệnh viêm đa khớp, cũng vì xem kênh YouTube thấy quảng cáo có loại thực phẩm chức năng uống vào giảm 90% bệnh. Đặc biệt, vì có hình ảnh của những người bác sĩ nổi tiếng tại Bệnh viện 108 nên ông rất tin tưởng. Bỏ ra 3 triệu đồng tiền thuốc nhưng bệnh tình chẳng thuyên giảm, không những thế, ông Thái còn bị thêm bệnh đại tràng nên cũng đành “cắn răng bỏ của”, không còn dám dùng thuốc nữa.

Bắt giữ các đối tượng mạo danh lương y bán thực phẩm chức năng

Không chỉ mượn danh người nổi tiếng, bác sĩ, bệnh viện để làm quảng cáo lớn trên mạng xã hội, các đối tượng còn “tự tin” giả danh bác sĩ, dàn cảnh ở bệnh viện và các khu chợ để lừa bán “thần dược” thực phẩm chức năng. Vào cuối tháng 8, Công an TP Buôn Ma Thuột đã bắt giữ nhóm đối tượng để làm rõ hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cơ quan công an, nhóm lừa đảo này đã giả danh bác sĩ, dàn dựng kịch bản công phu, người tung kẻ hứng để tạo lòng tin cho người bị hại về “thang thuốc quý”, lừa đảo người dân mua thuốc không rõ nguồn gốc, công dụng.

Đối tượng cầm đầu là Trần Thị Thu khai nhận do thiếu tiền nên đã nảy sinh ý định bán thuốc giả và rủ các đối tượng trong nhóm là Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Thị Kim Anh và Lê Thị Oanh cùng phối hợp thực hiện hành vi lừa đảo. Thu lên mạng mua thuốc Bắc và 10 hộp giấy in chữ “Phong Quế Chi”, “Viện khoa học 103, 108” để đóng gói. 

Ba đối tượng lừa đảo, bán thực phẩm chức năng giả
Ba đối tượng lừa đảo, bán thực phẩm chức năng giả

Kịch bản được Thu và đồng bọn lên kế hoạch rất chi tiết, trong đó Vinh giả làm bác sĩ đứng gần nơi Thu mua thuốc; Kim Anh hỗ trợ đưa thông tin đây là thuốc quý, người nhà đã mua nhằm lấy lòng tin của người bị hại; Oanh đứng ở vị trí khuất để theo dõi và cảnh giác công an. Ngoài lừa của bà Phạm Thị Dung (sinh năm 1958, TP Buôn Ma Thuột) 9 triệu đồng thì nhóm lừa đảo khai nhận đã thực hiện trót lọt 4 vụ lừa đảo khác ở tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài những vụ việc kể trên, Công an TP Đà Nẵng cũng đã bắt giữ nhóm đối tượng bao gồm: Nguyễn Thị Kim Anh, Trần Thị Sen và Trần Thị Sang về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc giả danh bác sĩ, bán thực phẩm chức năng giả. Được biết, trong vòng 1 tháng, nhóm đối tượng này đã dàn cảnh lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều nạn nhân với số tiền 250 triệu đồng.

Người tiêu dùng cần sáng suốt trước mọi lời chào mua sản phẩm chức năng
Người tiêu dùng cần sáng suốt trước mọi lời chào mua sản phẩm chức năng

Tình hình thị trường thực phẩm chức năng đang ở mức đáng báo động, các đối tượng lừa đảo không ngần ngại mạo danh thầy thuốc để “bán thuốc giả, bán lương tâm”. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của những người bán thuốc chân chính, các bác sĩ tận tụy. Bên cạnh đó, bán thuốc không rõ nguồn gốc, công dụng không phù hợp với thể trạng thực của người bệnh có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, rà soát và lên tiếng cảnh báo với người dân về tình trạng này.

Cùng chuyên mục