Vinamilk chi bao nhiêu tiền cho quảng cáo sau khi thay đổi bộ nhận diện?
Báo cáo tài chính CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, chi phí quảng cáo, khuyến mãi, nghiên cứu thị trường sau khi thay đổi bộ nhận diện tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau gần 50 năm thành lập, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã quyết định nâng tầm thương hiệu với chiến lược và định vị mới. Được biết, đây là bước đầu tiên trong giai đoạn tái cơ cấu toàn của Vinamilk. Theo đó, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết: "Tái định vị thương hiệu chỉ là bước đầu trong chiến lược 5 năm tới của hãng, đi cùng đó là hàng loạt thay đổi trong chuyển đổi số, tuyển dụng nhân sự, quy trình quản trị,... với mục tiêu tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn".
Ngay sau khi "thay áo mới", Vinamilk đã thực hiện một loạt chiến dịch quảng cáo để tiếp cận người tiêu dùng. Song hành cùng chiến dịch truyền thông về bộ nhận diện thương hiệu mới, tất cả các điểm bán hàng trực tuyến, hệ thống cửa hàng, bao bì sản phẩm và các điểm chạm thương hiệu được thay màu “áo mới” từ tháng 7/2023. Trong đó, điểm nhấn là chiến thuật visual merchandising hình chữ V nổi bật và phối màu rực rỡ, mang đến không khí tươi mới cho thương hiệu và tạo nên cảm xúc vui vẻ, hào hứng cho khách hàng tại tất cả các điểm chạm mua sắm.
Thống kê từ báo cáo tài chính của Vinamlik cho biết, trong 9 tháng, doanh nghiệp đầu ngành sữa đã chi hơn 9.500 tỷ cho chi phí bán hàng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chi phí cho dịch vụ khuyến mãi, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng cùng chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường chiếm thị phần lớn nhất (7575 tỷ), tăng 4,8% so với 9 tháng 2022. Khoản tiền này đã tăng hơn 1.400 tỷ so với nửa đầu năm 2023.
Cùng với đó, doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk đã hoàn thành trên 70% kế hoạch năm 2023 dù chịu ảnh hưởng bởi tình hình chung của FMCG và ngành sữa. Theo đó, báo cáo từ AC Nielsen cho biết, ngành hàng tiêu dùng quý III năm 2023 giảm 2% về giá trị so với cùng kỳ 2022 do tăng trưởng sức mua hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chậm lại. Riêng ngành sữa cũng ghi nhận giảm 4% toàn ngành.
Nằm ngoài xu thế chung, báo cáo tài chính của Vinamilk cho biết, doanh thu thuần của Vinamilk trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 44.750 tỷ, lợi nhuận sau thuế 6.669 tỷ đồng; giảm lần lượt 0,3% và 0,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 1,5% về 6.548 tỷ.
Đây là tín hiệu tích cực khi đặt vào bối cảnh chung của FMCG và ngành sữa. Đáng chú ý, sau 3 quý, Vinamlik đã đạt được 71% mục tiêu doanh thu (kế hoạch tổng doanh thu đặt ra trong năm 2023 là 63.380 tỷ đồng) và 77% chỉ tiêu lợi nhuận năm (kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm 2023 là 8.622 tỷ đồng).
Trong lịch sử hoạt động, Vinamilk là một trong số các doanh nghiệp dành khá nhiều tiền cho chi phí bán hàng, marketing và quảng cáo, con số này thậm chí còn trên chục nghìn tỷ trong giai đoạn 2018-2021. Sang năm 2022, Vinamilk đã tiết giảm 11% chi phí bán hàng để tối ưu hoá lợi nhuận, nhưng chi phí hỗ trợ bán hàng, khuyến mãi và quảng cáo vẫn chiếm phần lớn với 1.226 tỷ đồng.