Vì sao nói rau sam là "món ăn trường sinh" cho ngày hè oi ả?
Rau sam là loại cây dân dã với công dụng thanh nhiệt, giải độc… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách để tận dụng hết lợi ích sức khỏe của “món ăn trường sinh” này.
Rau sam là rau gì?
Rau sam còn được gọi với các tên khác trong dân gian như: mã xỉ hiện, trường thọ thái hay mã xỉ thái... Tại Việt Nam, rau sam xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành, thường mọc dại ở vùng đất ẩm ướt ven đường, kênh rạch, ao hồ...
Rau có vị chua, mát và không đắng. Rau sam khá lành tính, không độc, có tính lạnh và giàu giá trị dinh dưỡng. Trừ phần rễ thì các bộ phận còn lại của rau đều có thể đem đi chế biến. Ngoài việc được sử dụng như một loại thực phẩm đơn giản, rau sam còn được đánh giá là một vị thuốc quý với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Công dụng của rau sam
Thanh lọc cơ thể, giải nhiệt
Rau sam có tính mát nên có tác dụng rất tốt với việc thanh lọc và giải nhiệt cho cơ thể. Bạn có thể sử dụng rau sam với nhiều cách chế biến khác như nấu canh, ép nước uống, sắc nước...
Bảo vệ hệ thần kinh
Một trong những tác dụng hàng đầu của rau sam được chứng minh là khả năng bảo vệ hệ thần kinh, hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson. Nguyên nhân là do các thành phần được tìm thấy trong rau có tác dụng loại bỏ các gốc tự do, giảm quá trình chết đi của tế bào thần kinh trong cơ thể.
Bên cạnh đó, các chất trong rau sam cũng có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh do tình trạng thiếu oxy gây ra, cũng như ức chế enzym acetylcholinesterase - chất thường gặp đối với người mắc Alzheimer. Do đó, sử dụng rau cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị Alzheimer.
Điều hòa huyết áp, cải thiện sức khỏe tim mạch
Với hàm lượng khá cao Omega-3 và Kali, rau sam có tác dụng tốt với việc cải thiện sức khỏe tim mạch hạn chế tình trạng rối loạn nhịp tim. Lượng Omega-3 và Kali cũng giúp điều chỉnh hàm lượng cholesterol có trong máu và giúp huyết áp được ổn định hơn.
Hỗ trợ điều trị tiểu đường
Một số nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng rau sam có thể giúp cải thiện tình trạng của người mắc đái tháo đường type 2. Nguyên nhân là rau sam có tác dụng giảm các axit béo tự do có trong máu, giảm tình trạng kháng insulin trong cơ thể, giảm đường huyết đói và giảm tăng men gan.
Hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa
Rau sam chứa nhiều chất nhầy và chất xơ nên được đánh giá là hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa và tiết niệu, cải thiện tình trạng táo bón, đường ruột... Ngoài ra, rau cũng có tác dụng đào thải chất dịch dư thừa trong cơ thể, từ đó giúp bạn giảm cân hiệu quả hơn.
Khả năng chống viêm, chống oxy hóa
Với sự có mặt của omega-3, các chất nhầy và chất khoáng, rau có tác dụng giảm đau, chống viêm hiệu quả. Bên cạnh đó, vitamin C, E, flavonoid, alkaloid, beta-carotene và glutathione trong rau sam giúp chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa sự lão hóa.
Củng cố hệ thống cơ, xương khớp
Chất dinh dưỡng và lượng Omega-3 cao trong rau sam giúp nuôi dưỡng da, tóc và móng. Lượng canxi cao trong rau sam cũng tốt cho sự chắc khỏe của hệ thống xương khớp. Cùng với đó, vitamin E và chất glutathione có tác dụng bảo vệ màng tế bào khỏi sự ảnh hưởng của tác yếu tố gây hại.
Phòng chống ung thư
Các hợp chất như cerebroside, polysacarit, alkaloid và homoisoflavonoid được tìm thấy trong rau có vai trò loại bỏ các tế bào gây ung thư và tăng cường sức miễn dịch của cơ thể.
Một số công dụng khác
Bên cạnh có lợi ích, tác dụng được nhắc ở trên, rau sam còn có các tác dụng khác như:
- Chống nhiễm trùng
- Hỗ trợ các vết thương do côn trùng cắn
- Phòng ngừa bệnh gút
- Hỗ trợ điều trị hen suyễn…
Những lưu ý khi sử dụng rau sam
- Rau sam có rất nhiều công dụng hữu ích với sức khỏe, tuy nhiên, sử dụng rau sam không đúng cách có thể gây ra những hậu quả không tốt.
- Rau sam thường được dùng tươi, sắc uống hoặc dùng ngoài da. Nếu dùng 50 – 100g rau sam tươi/ngày.
- Không đun nấu rau sam quá kỹ khi chế biến sẽ khiến rau bị mất đi các chất dinh dưỡng.
- Khi chế biến rau sam, có 3 thứ tuyệt đối không nên dùng chung với rau sam là: thịt ba ba, rùa và trứng vịt lộn. Nếu dùng chung, nó có thể gây ra ngộ độc, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
- Những người bị lạnh bụng, bị tiêu chảy cấp tính không nên dùng rau sam hoặc nếu có thì nên kết hợp thêm các loại thuốc có vị cay, ấm.
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên tránh sử dụng rau sam bởi rau sam có tính hàn nên có nguy cơ dẫn đến sảy thai hoặc gây ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi.
- Rau sam có chứa 2 thành phần nitrate và oxalate nên những người có tiền sử bệnh sỏi thận nên tránh sử dụng vì có thể khiến bệnh nặng hơn.