Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 13/10/2024, 14:53 (GMT+7)

Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội để thực hiện quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng

Đó là một trong những bất cập được góp ý tại buổi tọa đàm "Lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo", do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội tổ chức vào ngày 11/10 vừa qua.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tọa đàm cho biết, sau hơn 10 năm thực thi, Luật Quảng cáo đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong việc quản lý hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, trước bối cảnh phát triển nhanh chóng của ngành quảng cáo và nhu cầu thực tiễn, hệ thống pháp luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải kịp thời sửa đổi.

Những thay đổi này nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, nâng cao trách nhiệm và năng lực của các chủ thể tham gia quảng cáo.

111020240134-1011vh-(2)
Nhiều đại biểu và doanh nghiệp quảng cáo tham gia tọa đàm.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, vào tháng 10/2024. Dự thảo sẽ tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng như nội dung và hình thức quảng cáo, quản lý quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, và hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi một số quy định của Luật Quảng cáo nhằm bắt kịp sự phát triển của xã hội. Nhiều ý kiến đóng góp đã tập trung vào các vấn đề như giải thích từ ngữ, quản lý quảng cáo ngoài trời, trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Một trong những điểm nổi bật là yêu cầu tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội đang là phương tiện phổ biến truyền tải thông tin quảng cáo.

Một số đại biểu cho rằng, hiện nay, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội để thực hiện quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng. Đối với các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường, nhiều quốc gia đã có quy định cụ thể về nội dung bắt buộc phải có trong quảng cáo. Tuy nhiên, Luật Quảng cáo hiện hành của Việt Nam chưa quy định đầy đủ nội dung này, dẫn đến sự chồng chéo với các luật chuyên ngành khác.

z5918611586507_20d1da546f
Ông Nguyễn Thanh Đảo - Phó Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam góp ý kiến tại tọa đàm.

TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các quy định của Luật Quảng cáo từ khi luật có hiệu lực. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được ban hành góp phần giúp các doanh nghiệp quảng cáo phát triển chiến lược, nâng cao giá trị văn hóa và thẩm mỹ trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn rộng lớn, nhu cầu quảng cáo cao, số lượng biển quảng cáo tăng nhanh mỗi năm, việc kiểm tra, giám sát thường xuyên gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng vi phạm trong quảng cáo ngoài trời vẫn còn tồn tại.

Ngoài ra, các vấn đề pháp lý liên quan đến xử phạt vi phạm trong quảng cáo, đặc biệt trên không gian mạng, cũng là một thách thức lớn. Việc xác định chủ thể vi phạm, địa điểm thực hiện quảng cáo, cũng như thiếu cơ sở dữ liệu về nội dung cấp phép quảng cáo, khiến cho công tác xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, việc phân bổ ngân sách quảng cáo đã có sự thay đổi, khiến quảng cáo truyền thống trên truyền hình gặp khó khăn. Quy định về thời lượng và số lần chèn quảng cáo trên truyền hình cũng gây khó khăn trong việc khai thác, đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh rằng sau hơn 10 năm thực thi, Luật Quảng cáo đã giúp ngành quảng cáo phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được sự vận động nhanh chóng của thị trường hệ thống chính sách, pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không theo kịp sự phát triển của thị trường quảng cáo hiện nay.

Do đó, Luật Quảng cáo cần được sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội; khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.

Đánh giá cao một số kiến nghị, đề xuất của TPHCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ; từ đó, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc; tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. Với những đóng góp ý kiến từ thực tiễn, các cơ quan sẽ nghiên cứu, tiếp thu để khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo phát triển minh bạch và bền vững.

Buổi tọa đàm là một bước tiến quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo, giúp ngành quảng cáo Việt Nam phát triển theo hướng lành mạnh, hiệu quả và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Cùng chuyên mục