Cần chú ý những gì khi sử dụng hạt sen?
Hạt sen được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon bổ dưỡng và là dược liệu quý làm thuốc hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số điều khi sử dụng hạt sen để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
Công dụng của hạt sen với sức khỏe
Sen là một loại cây thuộc họ hoa sen súng, có hơn 100 chủng loại đa dạng khác nhau, phổ biến nhất là loại sen trắng đơn hoa và hoa sen kép hồng. Ở Việt Nam hiện nay, hoa sen đều có thể tìm thấy hầu hết các tỉnh thành và đóng vai trò trong việc bồi dưỡng và nâng cao sức khỏe.
Hạt sen có tên khoa học là Nelumbinis semen, có nguồn gốc từ cây sen (Nelumbo nucifera). Hạt sen để nguyên cả vỏ bên ngoài gọi là liên thạch. Khi bóc vỏ ngoài, bỏ chồi xanh ở lõi giữa gọi là liên nhục. Còn chồi mềm xanh nằm trong hạt sen gọi là liên tâm.
Hạt sen rất giàu chất dinh dưỡng. Theo cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 100 g hạt sen khô có 332 kcal, carbohydrat 64,47 g, chất đạm 15,41 g, chất béo 1,97 g, không cholesterol, folate 104 µg, canxi 163 mg… Hạt sen còn chứa các hợp chất thực vật có lợi, có đặc tính chống oxy hóa như flavonoid, glycoside, phenolic và alkaloid.
Với thành phần dinh dưỡng như vậy hạt sen mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Có tác dụng chống viêm
- Giúp ngủ ngon, thư giãn, giảm căng thẳng
- Điều hòa cholesterol và đường huyết
- Cải thiện hệ thống tiêu hóa
- Bảo vệ đường tiết niệu
- Hạn chế ung thư phổi lây lan
- Bổi bổ cho bà bầu và thai nhi, người già
- Làm đẹp da, chống lão hóa
- Có tác dụng giảm cân, giảm mỡ…
Một số lưu ý khi sử dụng hạt sen
Hạt sen cần được sử dụng với liều lương hợp lý để phát huy được công dụng tốt nhất với sức khỏe. Các bác sĩ khuyên bạn 1 ngày nên dùng khoảng 2-3 nắm hạt sen tương đương 250 mg - 3 g bột hạt sen hoặc 2-5 g tâm sen.
Trẻ nhỏ không nên ăn quá nhiều hạt sen do hệ tiêu hóa còn non yếu, không thể hấp thụ hết dinh dưỡng từ hạt sen. Chúng còn có thể bị dị ứng, gây khó thở, ngứa da, nôn, tiêu chảy, thậm chí sốc phản vệ, tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Do đó, cha mẹ không nên trộn lẫn hạt sen vào cháo của trẻ nhỏ vì dễ khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu, biếng ăn.
Những người bị đầy bụng, khó tiêu, táo bón nên hạn chế dùng hạt sen bởi khiến hệ tiêu hóa khó hấp thu hơn.
Người bị bệnh gout hoặc tiền sử sỏi thận, nguy cơ bị sỏi thận nên ăn hạt sen mức vừa phải và uống đủ nước.
Người bệnh đang dùng thuốc tây y điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp, khi sử dụng hạt sen trong chế độ ăn thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh hạ đường huyết, hạ huyết áp quá mức gây nguy hiểm.
Khi chữa mất ngủ, suy nhược cơ thể nên kết hợp cả hạt sen và tâm sen chứ không nên bỏ tâm sen đi. Khi đã bỏ đi tâm sen đi thì hạt sen chỉ có tác dụng kích thích tiêu hóa hay giúp bạn ăn ngon miệng hơn. Do đó, nên dùng loại hạt sen được sấy khô có giữ nguyên tâm sen. Còn nếu chỉ bị đau đầu và mất ngủ thì nên dùng riêng tâm sen tốt hơn dùng chung với hạt sen.
Không nên uống tâm sen tươi, nhất là những người bệnh tim. Tâm sen có rất nhiều công dụng tốt nhưng nếu ở dạng tươi lại có thể gây ngộ độc nếu dùng quá nhiều 1 lúc. Bạn nên sao tâm sen đến ngả vàng để khử độc trước khi dùng.
Không sử dụng quá nhiều tâm sen bởi tâm sen có hàm lượng alkaloid cao nên sẽ tác động lực mạnh và ảnh hưởng đến tim. Dùng quá nhiều tâm sen cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe giới tính của cả nam và nữ, ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt, thậm chí làm rối loạn kinh nguyệt và giảm ham muốn ở cả nam và nữ.
Ngoài ra, cần lựa chọn hạt sen có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và mua hạt sen ở những cơ sở uy tín.