Cách giác chiêu trò giả mạo fanpage Bảo hiểm xã hội, thương hiệu thời trang... để chiếm đoạt tài sản
Các đối tượng xấu đã liên tục lập trang fanpage giả mạo, sử dụng hình ảnh đại diện, chia sẻ thông tin không khác gì với những fanpage thật. Điều này dễ gây nhầm lẫn, dẫn đến nhiều người dùng mạng xã hội bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trên nền tảng mạng xã hội Facebook, chúng ta không còn xa lạ với các fanpage hay còn gọi là trang đại diện của một cá nhân, tổ chức, cộng đồng nào đó. Trên fanpage người dùng chia sẻ nhiều thông tin, hình ảnh đến cộng đồng với những nội dung và lĩnh vực cụ thể. Nhưng hiện nay, bên cạnh những fanpage chính danh do các cơ quan, tổ chức thiết lập theo đúng quy định vẫn xuất hiện hàng loạt fanpage giả mạo. Những fanpage giả mạo được lập lên với nhiều mục đích khác nhau nhưng chung quy lại vẫn là để lừa đảo, trục lợi người dùng.
Giả mạo fanpage Giáo hội Hội Phật giáo Việt Nam
Tháng 4 vừa qua, Giáo hội Hội Phật giáo Việt Nam đã phải gửi thông tin cảnh báo tới cộng đồng phật tử, đạo hữu và công chúng về tình trạng giả mạo fanpage của Hội để xin tiền chữa bệnh, kêu gọi từ thiện cho các trường hợp éo le.
Cụ thể xuất hiện các trang fanpage giả mạo “Phật Tại Tâm”, “Hội Phật Giáo Việt Nam” đã đăng bài kêu gọi giúp đỡ bệnh nhi khó khăn vào cùng một tài khoản là NGUYEN XUAN TUNG tại ngân hàng Vietcombank. Kèm theo đó là danh sách hỗ trợ của một số mạnh thường quân.
Các đối tượng xấu liên tiếp giả mạo fanpage của Hội Phât giáo Việt Nam để kêu gọi từ thiện. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ngoài ra, trên fanpage “Làng ta” cũng chủ tài khoản NGUYEN XUAN TUNG kêu gọi quyên góp cho bệnh nhi khác và cũng nhận là cha của bệnh nhi này. Tài khoản này viết: “Gấp Gấp Xin số tiền 30tr đồng cho con gái cắt bỏ khôi U. Xin cả nhà giúp đỡ cho bé Nguyễn Thị Diệu Linh, 3 tháng tuổi ở Trung Lương – Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh…”
Giáo hội Hội Phật giáo Việt Nam khẳng định những fanpage này hoàn toàn giả mạo. Đại diện Giáo hội cho biết thêm, lợi dụng tính chất từ bi, từ tâm của Phật giáo, nhiều đối tượng xấu đã đặt tên fanpage như “Phật đạo trong trái tim tôi”, “Phật tại tâm”… để dễ dàng lừa đảo. Do đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi các phật tử và công chúng cần nâng cao cảnh giác, cân nhắc thật kỹ trước khi chuyển tiền, khi phát hiện bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam bị giả danh
Tháng 4 vừa rồi Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) liên tiếp nhận được thông tin phản ảnh của người dân về việc bị các trang fanpage giả mạo BHXH Việt Nam để lừa đảo trục lợi.
Do có nhu cầu gộp sổ BHXH, ngày 19/4/2023, chị H.T.B (Lạng Sơn) đã lên mạng tìm kiếm dịch vụ làm hồ sơ nhanh. Chị B. đã tìm được trang fanpage có tên “Giải đáp thắc mắc nhanh BHXH” và được hướng dẫn liên hệ qua Zalo với số điện thoại 0886 763 347 tên Nguyễn Linh để được tư vấn.
Fanpage giả mạo BHXH Việt Nam
Sau khi yêu cầu chị B. cung cấp mã số sổ BHXH và thời gian đóng BHXH của bản thân, Zalo có tên Nguyễn Linh đã hướng dẫn chị B. chuyển tiền 5 trăm ngàn đồng vào số tài khoản 1036369704, ngân hàng Vietcombank, chủ tài khoản PHAM BICH QUYEN. Được biết số tiền này là phí nộp hồ sơ và chị B. đã nhanh chóng chuyển khoản.
Sau đó, Zalo tên Nguyễn Linh tiếp tục gửi cho chị B. văn bản có nội dung “Thông báo chốt sổ và gộp sổ” được đóng dấu bởi BHXH Việt Nam và do Nguyễn Vinh Quang ký. Để hoàn tất hồ sơ, chủ Zalo này tiếp tục yêu cầu chị B đóng thêm số tiền 9 trăm ngàn đồng. Lần này chị B. vẫn tiếp tục chuyển tiền.
Các đối tượng xấu làm giả giấy tờ để lừa nạn nhân
Tới đây, Zalo Nguyễn Linh lại gửi cho chị B. “Thông báo chuyển hóa hồ sơ” với nội dung đã gộp sổ thành công và đề nghị BHXH tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận hồ sơ và tiến hành cập nhật lại số BHXH cho chị B. Zalo Nguyễn Linh lại yêu cầu chị B. chuyển phí 2 triệu đồng. Đến đây chị B. mới nghi ngờ mình bị lừa và đã không chuyển khoản. Sau nhiều lần hối thúc chị B. chuyển tiền không thành công, Zalo Nguyễn Linh đã chặn tài khoản của chị B.
Không riêng gì chị B. có rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự. Các đối tượng đã mạo danh cơ quan BHXH để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc lợi dụng lòng tin của người dân vào chính sách BHXH, BHYT.
Các thương hiệu, chương trình thời trang cũng bị lập fanpage giả mạo
Tháng 6/2023, tuần lễ thời trang Vietnam Kid Fashion Week 2023 (NKFW) cũng đã lên tiếng cảnh báo về việc nhóm đối tượng xấu mạo danh chương trình để lừa đảo chiếm đoạt tiền dưới nhiều hình thức tinh vi.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo lập nhiều fanpage trên Facebook với các tên gọi khác nhau như “Kids Talent – Phát triển tài năng nhí Việt Nam”, “Kid’s Talent – Phát triển tài năng nhí” hay “Gold Kids Model Việt Nam”… Tại đây các đối tượng đã lấy hình ảnh, thông tin, bài viết từ chương trình dưới danh nghĩa casting, tuyển chọn, hướng dẫn phụ huynh sang zalo đăng ký và lừa đảo.
Rất nhiều trang fanpage giả mạo lập nên để tiếp cận, lừa phụ huynh
Đại diện VKFW2023 cho hay, khi đã tiếp cận được phụ huynh, nhóm lừa đảo yêu cầu tải Telegram và làm nhiệm vụ. Ban đầu phụ huynh làm nhiệm vụ sẽ được trả hoa hồng nên rất ham. Tới khi đổ quá nhiều tiền làm nhiệm vụ thì hệ thống báo lỗi không nhận lại được thù lao, chuyển tiếp nhiều lần mà không thấy tiền đâu mới biết mình bị lừa.
Không riêng gì VKFW2023, những thương hiệu thời trang như Canifa, Uniqlo, Yody hay các trung tâm đào tạo mẫu nhí khác cũng bị giả mạo với hình thức tương tự.
Nhiều tổ chức, nhãn hàng phải thường xuyên lên tiếng cảnh báo về sự giả mạo này
Trước thực trạng này, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam đã đưa ra những khuyến cáo cộng đồng mạng không tiếp nhận và chia sẻ thông tin từ những fanpage giả mạo. Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo khi truy cập các fanpage trên facebook; cảnh giác trước những thông tin kinh tế, xã hội, các vấn đề nhạy cảm trong đời sống xã hội... Đồng thời, người dân cần trang bị kiến thức, tự nâng cao ý thức cảnh giác và khả năng nhận biết các trang website giả mạo.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, hành vi lập fanpage giả mạo nếu có đủ yếu tố cấu thành thì tùy theo mức độ hậu quả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo những tội danh khác nhau. Trường hợp lập fanpage giả mạo để chiếm đoạt tiền của người khác thì bị truy cứu tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc lập fanpage giả mạo để xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị truy cứu tội “làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có tình tiết sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội với khung hình phạt từ 03 tháng – 02 năm.