Các ‘ông lớn’ chinh phục khách hàng bằng tính cách thương hiệu như thế nào?
Brand Personality là cá tính thương hiệu được các “ông lớn” xây dựng nhằm chinh phục khách hàng: Coca-Cola vui vẻ, Apple sang trọng, Vinamilk chu đáo.
Dựa vào Brand Personality, các thương hiệu sẽ xây dựng đặc điểm gần giống với tính cách đặc trưng, đặc tả con người, ví dụ như vui vẻ, tích cực, sang chảnh,... Từ đó, định hướng các chiến lược quảng cáo - truyền thông thể hiện rõ cá tính, gây dấu ấn riêng trong lòng khách hàng.
Bên cạnh Brand Personality, Brand Image - hình ảnh thương hiệu cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng thương hiệu.
Phân biệt Brand Personality và Brand Image
Hai thuật ngữ này thường dễ gây nhầm lẫn trong các chiến dịch Marketing.
Tính cách thương hiệu - Brand Personality
Tính cách thương hiệu đề cập đến các đặc điểm và tính cách của một thương hiệu. Các thương hiệu tạo ấn tượng với người dùng bằng cách “gán” cho mình một tính cách cố định. Khi nhắc đến thương hiệu, người tiêu dùng có thể hình dung hoặc nhận diện thương hiệu với những đặc điểm tính cách như: gần gũi, giản dị, thân thiện, trách nhiệm…
Hầu hết các thương hiệu đều chọn cách thể hiện “cá tính” mà họ cho là phù hợp nhất với đối tượng khách hàng. Việc kết hợp tính cách thương hiệu vào chiến lược tiếp thị có thể nâng cao nhận thức và ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng, vì tính cách thương hiệu cũng phần lớn thể hiện tính cách hoặc quan điểm sống của họ.
Hình ảnh thương hiệu - Brand Image
Hình ảnh thương hiệu đề cập đến cách khách hàng nhìn nhận và đánh giá một thương hiệu. Brand Imgae đề cập đến logo, hình ảnh và thông tin mà thương hiệu muốn truyền tải tới người tiêu dùng. Hình ảnh thương hiệu không chỉ phụ thuộc vào thương hiệu mà còn phụ thuộc vào cảm nhận và trải nghiệm của khách hàng.
Một số yếu tố tạo nên hình ảnh thương hiệu như sau:
-
Hình ảnh/Video: Những bức ảnh đại diện cho thương hiệu hoặc hình ảnh thương hiệu truyền tải như ảnh nhận diện, hình ảnh sản phẩm.
-
Logo: Là một hình ảnh ngắn, dễ ghi nhớ trong tâm trí khách hàng. Logo sẽ là một trong những yếu tố không thể thiếu xuyên suốt, thể hiện thương hiệu một cách ngắn gọn nhất.
-
Màu sắc: Màu sắc là yếu tố làm tăng sự hiện diện của thương hiệu đối với khách hàng. Việc kết hợp màu sắc vào thương hiệu có thể tăng cường nhận diện và khuyến khích người tiêu dùng liên tưởng tới thương hiệu với cảm xúc nhất định.
Các công ty lớn “nhân cách hóa” tính cách thương hiệu của mình như thế nào?
Rất nhiều thương hiệu lớn đã thành công trong việc xây dựng Brand Personality nhằm chinh phục đối tượng khách hàng mục tiêu.
Coca-Cola: Vui vẻ, sống động và tràn ngập yêu thương
Trong suốt quá trình phát triển của mình, Coca-Cola luôn thể hiện tính cách vui vẻ, nhiệt tình, mong muốn khách hàng sẽ thấy rằng công ty tượng trưng cho tiếng cười và hạnh phúc. Các chiến dịch quảng cáo của Coca-Cola luôn mang lại cảm giác năng động, đồng thời truyền tải một cách tinh tế thông điệp nhân văn đằng sau mỗi chiến dịch.
"Share a Coke" là một trong những chiến dịch nổi tiếng của thương hiệu, làm nổi bật tính cách vui vẻ và cách thương hiệu lan tỏa hạnh phúc đến mọi người. Chiến dịch bắt nguồn từ việc Coca-Cola viết tên người dùng lên các chai nước, mang niềm vui tới những người dùng được ghi tên và kích thích những người chưa có tên trên vỏ chai tìm kiếm tên mình.
Apple - Brand Personality đổi mới, tinh tế, sang trọng
Apple tự xác định mình là một thương hiệu “vượt qua mọi giới hạn” và không ngừng đổi mới trong các hoạt động quảng bá, truyền thông sản phẩm mới, luôn thể hiện rõ nét phong cách hiện đại, tinh tế của mình. Theo thời gian, Apple đã cố gắng “đơn giản hóa” các tính năng để tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. Không chỉ vậy, thương hiệu còn được biết đến với những thiết kế đơn giản, thanh lịch.
Thương hiệu không quảng cáo quá phô trương hoặc khuếch đại tính năng. Bù lại, TVC quảng cáo ngắn gọn trong 60s để khách hàng tập trung và hiểu sản phẩm nhất có thể. Nhiều TVC quảng cáo sản phẩm iPhone của Apple sử dụng phông nền tối để tạo cảm giác huyền bí, tinh tế nhưng vẫn làm nổi bật sự sang trọng của sản phẩm.
Netflix: Nhẹ nhàng, vui nhộn và đầy phiêu lưu
Là thương hiệu dẫn đầu thị trường phim trực tuyến, đối tượng khách hàng của Netflix chủ yếu tập trung ở nhóm khách hàng trẻ và nhân viên văn phòng cần giải tỏa căng thẳng sau ngày làm việc dài hơi.
Vì vậy, Netflix liên tục cải thiện dịch vụ của mình, mang tới cho khách hàng những trải nghiệm chất lượng hơn. Người dùng có thể thoải mái xem phim mà không bị khó chịu bởi quảng cáo. Nền tảng tập trung vào yếu tố “cá nhân hóa”, cho phép người dùng điều chỉnh các tính năng theo ý thích, từ đó dựa vào phân tích hành vi để cải thiện chất lượng dịch vụ.
Vinamilk: Chu đáo, yêu thương, ân cần
Vinamilk luôn là một trong ba thương hiệu sữa có thị phần dẫn đầu Việt Nam. Đối tượng mục tiêu của Vinamilk không chỉ giới hạn ở hội bà mẹ bỉm sữa mà còn là những người quan tâm đến dinh dưỡng và sức khỏe của chính mình. Vì vậy, Vinamilk đã tạo dựng được hình ảnh, cá tính chu đáo, ân cần và cho ra đời các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khác nhau của người tiêu dùng.
Trong các TVC quảng cáo của thương hiệu, hình ảnh chú bò thân thiện luôn nỗ lực mang đến cho mọi người dòng sữa thơm ngon nhất đã dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Thông điệp quảng cáo xuyên suốt, nhấn mạnh tới “mắt sáng, dáng cao”, cho thấy thương hiệu rất quan tâm đến quá trình trưởng thành của trẻ em.
Brand Personality là cách thức để thương hiệu gây chú ý trong lòng khán giả, tuy nhiên cũng cần có thời gian để hình thành và đồng hành lâu dài cùng người tiêu dùng. Để xây dựng cá tính riêng, thương hiệu cần phải nắm rõ tệp khách hàng tiềm năng, kiên trì theo đuổi cá tính đã lựa chọn kể từ khi bắt đầu.