Bùng phát dịch đau mắt đỏ ở trẻ em tại nhiều tỉnh thành trên cả nước
Không chỉ ở Hà Nội và TP.HCM, dịch bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Phần lớn số ca đau mắt đỏ ghi nhận đối tượng mắc bệnh là trẻ em.
Quảng Bình ghi nhận hơn 3.400 trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ
Ngày 15/9, Trung tâm Mắt - Nội tiết tỉnh Quảng Bình thông tin việc phát hiện khoảng 3.400 trường hợp trẻ đau mắt đỏ tại huyện Tuyên Hóa và Bố Trạch. Phần lớn người mắc bệnh ở lứa tuổi học sinh mầm non và tiểu học. Trong số 3.400 ca, có gần 1.000 trường hợp đau mắt đỏ tại huyện Bố Trạch, tập trung chủ yếu ở xã Liên Trạch (500 ca), xã Hưng Trạch (159 ca). Huyện Tuyên Hóa có 2.397 ca mắc bệnh đau mắt đỏ.
Sau khi ghi nhận nhiều trường hợp học sinh bị đau mắt đỏ, Trung tâm Mắt - Nội tiết tỉnh Quảng Bình đề nghị ngành giáo dục cho trẻ mắc bệnh nghỉ học và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.
Ngoài 2 huyện có số trường hợp đau mắt đỏ cao, một số huyện, thị, thành phố của Quảng Bình cũng ghi nhận các trường hợp mắc bệnh này. Phần lớn khi trẻ bị mắc bệnh đau mắt đỏ, phụ huynh tự mua nước muối sinh lý và thuốc nhỏ mắt về điều trị.
3.000 ca đau mắt đỏ tại Gia Lai, đa số là trẻ em
Cũng trong ngày 15/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, theo thống kê sơ bộ toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 ca mắc bệnh đau mắt đỏ, tập trung chủ yếu tại TP. Pleiku. Dịch đau mắt đỏ bùng phát trên địa bàn tỉnh Gia Lai với nhiều ca mắc được ghi nhận trong hơn 1 tháng trở lại đây.
Đáng chú ý, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai ghi nhận, trung bình 1 ngày có trên 100 bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt đến khám. Trong số đó, hơn 50% là bệnh đau mắt đỏ. Trung tâm Y tế TP Pleiku cũng ghi nhận tình trạng tương tự khi số ca đau mắt đỏ đến khám rải rác đầu tháng 8 và tăng mạnh từ tháng 9. Trung bình 1 ngày Trung tâm Y tế TP Pleiku tiếp nhận gần 100 ca đau mắt đỏ đến khám và điều trị.
Dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh và nguy cơ lây lan nhất là trong các trường học ở Gia Lai, cao diểm dịch bắt đầu từ đầu tháng 9 và tăng cao sau ngày khai giảng năm học mới. Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã khuyến cáo và đề nghị phụ huynh học sinh, các trường học nâng cao biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ dễ mắc và dễ lây qua các đường tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua hô hấp, dịch tiết hay cầm nắm và chạm vào vật dụng bị nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, điện thoại; tay chạm vào miệng, mũi làm rồi đưa lên mắt cũng là nguyên nhân khiến vi trùng xâm nhập vào mắt. Tại nơi đông người, tiếp xúc ở cự ly gần, nơi công cộng, bệnh viện, lớp học cũng là nơi có nguy cơ rất dễ lây bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.