Thứ ba, 02/04/2024, 16:53 (GMT+7)

Bộ Công Thương tiếp tục có thay đổi về cách tính giá xăng

Vài ngày sau khi trình dự thảo 1 Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục có dự thảo mới gửi Chính phủ liên quan đến việc thay đổi cách tính giá xăng và nhiều quy liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, với cơ chế hiện nay, cơ quan quản lý phải thực hiện qua quá nhiều bước, doanh nghiệp không được chủ động trong quyết định giá bán lẻ đối với hệ thống phân phối mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý công bố. Điều này, về cơ bản chưa đảm bảo thực hiện theo cơ chế thị trường. Do đó, dự thảo mới của Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá mà chỉ có công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định.

Dự thảo mới quy định thời gian công bố giá thế giới bình quân định kỳ là 7 ngày/lần (dự thảo 1 lấy bình quân 15 ngày) và cho phép đầu mối được cộng các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để công bố giá bán ra thị trường. Tuy nhiên, giá bán ra của doanh nghiệp không được cao hơn mức giá được tính toán theo công thức của liên bộ. Điều này đồng nghĩa giá xăng dầu tiếp tục có thể giữ nguyên chu kỳ điều hành tính giá 7 ngày như hiện nay thay vì tính bình quân 15 ngày như dự thảo 1 đề xuất cách đây vài ngày.

VPI dự báo giá bán lẻ xăng dầu vẫn giảm trong kỳ điều hành ngày mai 23/11 | Báo Hà Tĩnh
Giá xăng dầu sẽ dần theo cơ chế thị trường. (Ảnh: M.H)

Cũng tại dự thảo mới, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án tính giá mới:

Phương án 1, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp được tính theo giá trị tuyệt đối. Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, hiện các khoản chi phí từ đầu vào, các khoản chi phí hoa hồng, chiết khấu đến khâu bán lẻ khoảng từ 1.800 - 2.500 đồng/lít.

Phương án 2, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp sẽ biến đổi theo tỷ lệ phần trăm theo biến động của giá xăng dầu thế giới. Theo đó chi phí, lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp có thể sẽ dao động tới 20% khi giá thế giới ở mức 30 USD/thùng và giảm dần xuống chỉ còn 4% nếu giá thế giới lên tới 120 USD/thùng.

Nếu chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng điều chỉnh.

Ngoài ra, với những địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, nếu có chi phí thực tế phát sinh tăng cao (đã được kiểm toán), đầu mối và thương nhân phân phối được sẽ được tự quyết định giá bán tại địa bàn sau khi có báo cáo gửi Bộ Công Thương. Tuy nhiên, việc tăng giá không được vượt quá 2% giá bán tối đa theo quy định.

Giá bán xăng dầu tối đa bằng (=) {Giá xăng dầu thế giới (x) tỷ giá ngoại tệ} cộng (+) thuế nhập khẩu cộng (+) thuế tiêu thụ đặc biệt cộng (+) thuế bảo vệ môi trường cộng (+) thuế giá trị gia tăng cộng (+) chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp.

Liên quan đến Qũy Bình ổn giá xăng dầu, dự thảo mới của Bộ Công Thương đã bổ sung thêm một số điều về Luật Giá để bảo vệ quan điểm duy trì quỹ. Theo đó, khi giá xăng dầu trên thế giới liên tục tăng trong 15 ngày, Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng xem xét việc trích lập, chi sử dụng theo quy định của Luật Giá.

Tại dự thảo mới, Bộ Công Thương tiếp tục giữ nguyên quan điểm cho phép đầu mới thuê kho chứa nhưng yêu cầu phải báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng kho, đồng thời giao các Sở Công Thương kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất đẩy mạnh việc số hóa, kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp liên quan đến tổng nguồn, tiêu thụ, tồn kho… 

Dự thảo mới cũng bổ sung nội dung về kinh nghiệm tham gia thị trường của các đầu mối, thương nhân phân phối. Cụ thể, doanh nghiệp trong vòng 3 năm không bị cơ quan quản lý xử lý vi phạm, trong đó có việc tước giấy phép thì sẽ được cấp phép làm đầu mối. Theo đó, đầu mối phải thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3, tấn xăng dầu/năm. 

Cùng chuyên mục