Thứ ba, 19/03/2024, 10:46 (GMT+7)

Giá xăng vẫn cao dù đã giảm 50% thuế, Bộ Tài chính nói gì?

Tại phiên họp chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính sáng 18/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có những lý giải liên quan đến giá xăng và các giải pháp giảm bớt thuế, phí trong giá xăng dầu để thực hiện bình ổn giá.

Phát biểu tại phiên chất vấn Bộ trưởng ngành Tài chính, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho biết, vừa qua Nhà nước có nhiều biện pháp để kéo giảm giá xăng dầu nhưng hiện nay mức giá còn cao, một phần do còn nhiều loại thuế phí, tỷ lệ cao như phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về... Tuy nhiên, Bộ Tài chính cần làm rõ về cách tính các loại chi phí này và phần trăm phí xăng dầu để theo dõi, bám sát thực tiễn trong bối cảnh hiện nay. 

Trả lời đại biểu Trần Hồng Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng dầu hiện hành được xây dựng dựa trên những yếu tố: giá hàng mua từ nhà máy hay giá hàng mua từ nước ngoài cộng với các chi phí trung gian. Trong đó, chi phí ban đầu hình thành chiếm từ khoảng 65% đến 77%, còn thuế các loại như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hay thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu thì chiếm từ 15% cho đến 29%. Còn chi phí lợi nhuận định mức thì từ 1,2% đến 2%, chưa kể Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Giá xăng dầu dự kiến được điều chỉnh thế nào vào ngày 11/10?
Giá xăng vẫn cao dù giảm đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. (Ảnh: Công Hiếu)

Theo tư lệnh ngành Tài chính, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường kéo dài từ năm 2021 cho đến hiện nay. Khi chúng ta hạn chế năng lượng hóa thạch chuyển sang năng lượng tái tạo thì đúng ra số thuế này phải ngày một cao lên; nhưng để đảm bảo cho kích cầu và giải quyết khó khăn cho nền kinh tế thì đã có biện pháp là giảm thuế.

Chi phí định mức như đại biểu nói chiếm từ 7% đến 12% là chi phí vận chuyển sẽ do các doanh nghiệp đầu mối của nhập khẩu xăng dầu thống kê, có hợp đồng và hồ sơ gửi cho Bộ Công Thương. Bộ Công Thương sẽ tập hợp để xác định vào trong cơ cấu của giá xăng dầu. Sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ công bố giá xăng dầu cơ sở, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ quy trình.

Cũng tại phiên họp đầu tuần, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho biết, chi phí định mức, chi phí kinh doanh định mức của lợi nhuận định mức là một trong những yếu tố để cấu thành lên giá xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều cử tri phản ánh trong thời gian qua việc điều chỉnh thông báo của Bộ Tài chính chưa kịp thời dẫn đến giá xăng dầu được xác định là chưa phù hợp.

Theo đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết quan điểm của Bộ về nội dung này và các giải pháp trong thời gian tới để tính chi phí định mức, chí phí kinh doanh định mức của lợi nhuận định mức trong tính giá xăng dầu?

Trả lời chất vấn của đại biệu, Bộ trưởng ngành Tài chính nêu rõ chi phí định mức về xăng dầu chiếm từ 7% cho đến 12%. Quy trình để thực hiện chi phí này là các doanh nghiệp đầu mối sau một kỳ điều hành thì tập hợp các hồ sơ và các chi phí của mình để gửi cho Bộ Công Thương và gửi cho Bộ Tài chính. Với quy trình hiện nay, các Bộ chấp nhận các chi phí thực tế hợp lý của các doanh nghiệp đầu mối, chứ không phải các Bộ ngành ép lên hay ép xuống.

Liên quan đến vấn đề xăng dầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho rằng cần phải có giải pháp đột phá hơn, nhất là trong vấn đề giảm thuế, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đại biểu cũng đề nghị quan tâm hơn nữa đối với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân, từ đó mới có thể tăng tiêu dùng, hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Nghị quyết 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ ngày 01/1/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Bên cạnh đó, Nghị quyết 110 của Quốc hội cũng đã quy định giảm thuế giá trị gia tăng thêm 2% từ 10% xuống còn 8% từ ngày 01/1/2024 đến 30/6/2024.

Cũng theo Bộ trưởng, khó khăn của nền kinh tế là chúng ta phải tập trung để gỡ những nút thắt pháp lý, về môi trường đầu tư, pháp lý, tín dụng, chất lượng sản phẩm, chứ không có nghĩa là bắt buộc cần giảm thuế, giảm phí, vì giảm thuế phí dẫn đến tăng chi ngân sách, giảm sức mạnh của tài chính công, dẫn đến thiếu hiệu quả, ảnh hưởng đến cả hệ thống nền kinh tế.

Cùng chuyên mục