Thứ ba, 19/03/2024, 09:31 (GMT+7)

Vi khuẩn nào làm 367 người ngộ độc sau ăn cơm gà ở Nha Trang?

Không chỉ có vi khuẩn Salmonella mà một số vi khuẩn khác gây ngộ độc thực phẩm cũng có trong món cơm gà của quán ăn này.

Nhiều vi khuẩn gây ngộ độc trong thành phần của cơm gà

Theo kết luận kiểm nghiệm, các mẫu thực phẩm, bệnh phẩm tại quán gà Trâm Anh (TP Nha Trang) đều bị nhiễm khuẩn. Những mẫu này được lấy vào hai ngày 13/3 và 15/3, liên quan đến vụ 367 người ngộ độc sau ăn quán cơm gà. Sau quá trình xét nghiệm kéo dài 5 ngày đối với 19 mẫu thực phẩm, mẫu nước, mẫu bệnh phẩm và mẫu trên bàn tay một nhân viên nữ, Viện Pasteur Nha Trang đưa ra kết luận như sau:

Với mẫu cơm gà còn lại tại hộ gia đình P.Th.T (trú Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang, người nhà bệnh nhân Đ.H.T.A) mua cơm vào 17h ngày 12/3, được bảo quản tại ngăn mát tủ lạnh của gia đình phát hiện vi khuẩn Salmonella spp và vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu cơm gà chan sốt trứng; Vi khuẩn Salmonella spp, vi khuẩn Bacillus cereus (1,6 x 105CFU/g) và vi khuẩn Staphylococcus aureus (2,9 x 103CFU/g) trong mẫu gà xé. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân H.C.H, dương tính với vi khuẩn Salmonella spp.

vi khuan
Phần cơm gà nghi làm nhiều người bị ngộ độc, phải nhập viện

Kết quả các mẫu hành phi có vi khuẩn Salmonella spp (1,1 x 102MPN/g), trong mẫu rau dưa chua phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus (2,3 x 101CFU/g) và vi khuẩn Escherichia coli (9,0 x 101CFU/100ml).

Phát hiện vi khuẩn Escherichia coli (3,2 x 101CFU/100ml) và vi khuẩn Coliform (7,6 x 101CFU/100ml) trong mẫu nước máy tại vòi khu vực chế biến.

Phát hiện vi khuẩn Escherichia coli (9,6 x 101CFU/100ml), vi khuẩn Coliform (1,2 x 104CFU/100ml) và vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa(2,8 x 102 CFU/100ml) trong mẫu nước giếng lấy tại thùng chứa nước giếng dùng để rửa dụng cụ.

Đối với mẫu từ tay một nhân viên của quán là L.Th.B.L dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng).

Tính đến 15h ngày 18/3, Sở Y tế Khánh Hòa ghi nhận 75 bệnh nhân đang điều trị, còn lại đã xuất viện hoặc cho về theo dõi ngoại trú. Tất cả bệnh nhân tạm ổn định, một số còn đau bụng nhẹ, sốt giảm.

Các vi khuẩn trên nguy hiểm thế nào?

Salmonella

Salmonella là độc tố thường có trong thịt, gia cầm, sữa, lòng đỏ trứng còn sống hoặc bị ô nhiễm, lây lan qua dao, bề mặt cắt hoặc dụng cụ xử lý thực phẩm bị nhiễm. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thường qua thức ăn, lây lan từ ruột vào máu và các cơ quan khác gây nhiễm trùng, nhiễm độc.

vi khuan
Salmonella là "thủ phạm" từng gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trước đây

Salmonella có khả năng sống sót bên ngoài cơ thể con người và động vật một thời gian khá dài (sống trong nước 2 - 3 tuần, trong phân hoặc nước đá có thể 2 - 3 tháng). Salmonella bị hủy bởi nhiệt độ 500 độ C trong vòng 1 giờ hoặc 1000 độ C trong vòng 5 phút và dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường. Thời kỳ ủ bệnh của Salmonella có thể từ 6 giờ - 6 ngày.

Dấu hiệu khởi phát khi nhiễm khuẩn độc là nôn nao, buồn nôn, nôn, đau bụng và đi ngoài phân lỏng. Một số trường hợp bị nhức đầu, đau đầu, mất ngủ, phát ban. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Bacillus cereus

Bacillus cereus là loại vi khuẩn gram dương, xuất hiện trong tự nhiên như đất, cây cỏ và đặc biệt là trong thực phẩm, thức ăn qua đêm hay trữ lạnh lâu. Nó được xem là tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu sau Samonella.

Tuy đa số trường hợp ngộ độc thực phẩm do Bacillus cereus thường nhẹ và tự khỏi nhưng bệnh do Bacillus cereus vẫn được xem là mối nguy hiểm đáng kể với sức khỏe và là điều đáng quan tâm của ngành công nghiệp thực phẩm.

Bacillus cereus gây bệnh bằng cách tiết độc tố có thể gây nôn và tiêu chảy. Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột. Ngoài ra chúng còn có độc tố hemolysin, phospholipase và protease gây hoại tử mô thậm chí gây tổn thương cơ quan.

Staphylococcus

Staphylococcus là các cầu khuẩn gram-dương, thường có mặt trên cơ thể người (chủ yếu ở da, mũi) gây ra nhiễm khuẩn trong các loài tụ cầu.

Hầu hết các Staphylococcus cư trú chủ yếu ở da và màng nhầy. Thông thường, các tụ cầu này vẫn có mặt ở cơ thể người (chủ yếu trên da) nhưng không gây bệnh hoặc chỉ gây nhiễm trùng da nhẹ. Tuy nhiên, khi các vi khuẩn tụ cầu xâm nhập sâu hơn vào máu, khớp, phổi hay tim thì có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục