Những sai lầm khi bảo quản thực phẩm thừa từ dịp Tết có thể gây ngộ độc
Do thói quen tích trữ thực phẩm và được người thân biếu quà, nhiều gia đình vẫn còn nhiều thực phẩm thừa bảo quản trong tủ lạnh.
Nếu nhà bạn vẫn còn thừa đồ ăn từ Tết, hãy tránh những sai lầm khi bảo quản sau để bảo đảm an toàn sức khỏe.
Rã đông thịt nhiều lần
Nhiều người trong những ngày Tết bận rộn và sau Tết đã rã đông thịt nhiều lần. Họ rã đông thịt, cấp đông lại rồi lại rã đông do không nấu hết. Các chuyên gia cho biết sai lầm này khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập, thịt dễ hư hỏng hơn và làm tăng nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc.
Bác sĩ Ouyang Wenting, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Hoa Liên Tzu Chi (Trung Quốc) chia sẻ: “Các nghiên cứu chỉ ra rằng lượng vi khuẩn sẽ tăng lên theo số lần bạn rã đông thịt, với 4 lần rã đông có thể thể khiến vi khuẩn tăng gấp 15 lần”.
Rã đông thịt nhiều lần còn làm miếng thịt trông kém hấp dẫn, giảm dinh dưỡng, thay đổi mùi vị. Ngoài ra, các sai lầm khác khi ra đông thịt mà nhiều người mắc phải như: rã đông thịt bằng nước nóng, rã đông thịt bằng cách đun trên chảo dầu, để thịt rã đông ngoài nhiệt độ phòng quá lâu mới nấu… cũng ảnh hưởng tới dinh dưỡng của thịt và sức khỏe con người.
Để lẫn thực phẩm đã chế biến và chưa chế biến
Bảo quản lẫn lộn thực phẩm sống và chín là sai lầm phổ biến mà nhiều người thường mắc phải, nhất là trong dịp Tết khi lượng thực phẩm tích trữ quá nhiều, thêm cả đồ ăn thừa.
Các loại thực phẩm như rau củ quả chưa được rửa sạch, thịt cá tươi sống chứa rất nhiều vi khuẩn và hiểm hoạ ngộ độc. Khi mua thực phẩm từ chợ về, các loại rau củ quả còn dính nhiều phân thuốc, nhiều các loại chất bẩn từ trong chợ, thịt cá tươi sống chưa chế biến cũng chứa nhiều loại vi khuẩn có hại. Nếu để chung ngăn hoặc gần với các món đã chế biến hoặc còn thừa từ Tết như bánh chưng, giò chả… sẽ tạo cơ hội để vi khuẩn lây nhiễm chéo và làm ảnh hưởng tới mùi vị, khiến thực phẩm nhanh hỏng hơn.
Để thức ăn nóng vào tủ lạnh
Thói quen cất đồ ăn vẫn còn ấm nóng vào tủ lạnh vừa làm giảm dinh dưỡng vừa có thể khiến chính món ăn đó và các thực phẩm khác trong tủ lạnh nhanh hư hỏng hơn. Thực phẩm còn nóng khi đưa vào tủ lạnh, gặp nhiệt độ thấp sẽ rất dễ dẫn đến sốc nhiệt, dẫn tới giảm dinh dưỡng và bị biến chất, gây ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải. Nó cũng tạo điều kiện lý tưởng để hơi nước ngưng tụ trong ngăn mát, khiến nhiều loại vi khuẩn sinh sôi và làm hư hỏng các thức ăn khác. Bảo quản thực phẩm theo kiểu này còn gây ảnh hưởng gián tiếp đến tuổi thọ tủ lạnh, khiến nó nhanh hỏng hơn.
Hâm nóng thức ăn thừa nhiều lần
Thức ăn thừa dịp Tết luôn khiến các gia đình phải đau đầu, chúng ta nấu nướng, cúng lễ nhiều trong những ngày Tết nhưng lại không ăn hết. Vì vậy, các món ăn thừa tích tụ lại và được hâm nóng hết ngày này tới ngày khác.
Theo các chuyên gia, tùy vào loại thực phẩm và cách chế biến mà số lần có thể hâm nóng hay mức độ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe sau khi hâm nóng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, không nên hâm nóng thức ăn nhiều lần, tốt nhất là chỉ chế biến thức ăn để ăn vừa đủ từng bữa hoặc hâm nóng 1 - 2 lần. Việc hâm nóng lại thức ăn thừa sẽ khiến cho thực phẩm bị mất chất, suy giảm dinh dưỡng hoặc thậm chí biến chất và gây độc hại. Nhất là với các món như rau xanh lá, hải sản, nấm, khoai tây, trứng luộc hoặc món hầm…
- Làm thế nào để bảo quản giò chả sau Tết thơm ngon và an toàn?
- Bảo quản bánh chưng thơm ngon, không bị thiu hỏng
- Làm sao để bảo quản cà rốt tươi lâu?