Bảo quản bánh chưng thơm ngon, không bị thiu hỏng
Nếu không biết được bảo quản đúng cách, bánh chưng chưa hết Tết đã có dấu hiệu hỏng, thiu hoặc lại gạo... Áp dụng những cách sau giúp bạn bảo quan bánh chưng thơm ngon hơn.
Gói bánh chưng bằng lá dong đã luộc
Ngay từ công đoạn luộc bánh, chú ý một chút sẽ giúp bạn bảo quản bánh được lâu hơn. Lá dùng để gói bánh phải được rửa kỹ và để ráo nước. Luộc lá dong để gói bánh giúp giữ bánh được lâu hơn.
Rửa bánh bằng nước lọc sau khi luộc
Sau khi luộc bánh chín, rửa bánh bằng nước lọc giúp loại bỏ nước, nhớt khi luộc còn bám trên bánh, tránh cho bánh bị ôi thiu nhanh, nhất là khi thời tiết nắng nóng.
Treo bánh nơi mát và thoáng gió
Treo bánh lên giúp bánh khô se phần mặt, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa giữ được lâu.
Bảo quản trong tủ lạnh
Bạn nên tính toàn lượng bánh chưng cần dùng và để lượng thừa vào tủ lạnh, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng. Khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. Nên hạn chế rán bánh vì làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào khẩu phần ăn hàng ngày không có lợi cho sức khỏe.
Bọc bánh cẩn thận
Bánh chưng ăn miếng nào, lấy miếng đó. Phần thừa nên bọc lại bằng màng bọc thực phẩm rồi cất vào tủ lạnh và ăn hết trong ngày.
Nhận biết bánh chưng đã hỏng
Tất cả thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố aflatoxin, gây bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ
Theo các chuyên gia, khi bánh có các dấu hiệu như chảy nước, có mùi ôi, xuất hiện nhớt ở vỏ bánh… thì không nên luộc lại nữa mà phải bỏ đi do lúc này vi khuẩn đã xâm nhập, làm hỏng bánh. Nếu cố ăn hoặc chế biến lại rất dễ ngộ độc.
Một số chủng nấm mốc có khả năng lên men làm bánh bị chua. Khi bánh bị mốc, nên bỏ cả bánh, bởi khi đó vi khuẩn đã xâm nhập sâu bên trong chứ không chỉ là một góc bánh. Nếu ăn sẽ dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa. Tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm.