Thứ năm, 08/02/2024, 08:09 (GMT+7)

Nên hay không tích trữ thực phẩm trong dịp Tết?

Việc lưu trữ cả thực phẩm sống lẫn chín trong tủ lạnh sẽ khiến vật dụng này trở thành nơi tập trung của các loại vi khuẩn và trở thành nơi gây bệnh cho gia đình bạn.

Câu trả lời của chuyên gia

Trong dịp Tết, nhiều gia đình Việt có thói quen tích trữ đồ ăn thức uống bởi lo lắng những nơi kinh doanh thực phẩm nghỉ lễ dài, không có những thực phẩm cần thiết. Một nguyên nhân nữa xuất phát từ quan niệm rằng Tết đến trong nhà càng nhiều đồ ăn, thực phẩm, bánh trái sẽ thể hiện một cái Tết sung túc, đầy đủ. Nhiều người còn tích trữ thực phẩm nhiều đến mức chật kín tủ lạnh, thậm chí "không thở nổi" vì thức ăn sống - chín để chen chúc lẫn lộn.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: "Chúng ta không còn lạ khi chứng kiến thực tế nhiều gia đình, cứ Tết đến tủ lạnh trở nên quá tải, "ép" hết cỡ mới đóng được cánh tủ đông đá, tủ lạnh ngăn mát cũng chật ních đủ loại đồ ăn từ giò, thịt đông, cá, tôm…".

thuc pham
Tủ lạnh nhà nào cũng chật cứng mỗi dịp Tết đến

Theo ThS, BS. Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các bà nội trợ nên bỏ thói quen dự trữ, tích trữ thực phẩm vào ngày Tết. Tủ lạnh cũng chỉ là thiết bị dùng để hạn chế đồ bị hỏng, chứ không thể giữ được độ tươi ngon như thực phẩm mới được. Hơn nữa, việc bảo quản đồ ăn sống chín lẫn lộn, tủ lạnh để quá chật chội, không có không khí để lưu thông. Lúc này, tủ lạnh trở thành ổ vi khuẩn, khiến thực phẩm bị giảm chất lượng, thậm chí hỏng nên khi ăn vào bị đau bụng.

Thời tiết dịp Tết cũng là nguyên nhân khiến việc tích trữ nhiều thực phẩm trở nên nguy hại hơn. Các tỉnh miền Bắc vào Tết thường có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Thực phẩm bảo quản không tốt rất dễ bị nấm mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Trong khi đó, thời tiết nóng ở miền Nam lại dễ khiến các loại thực phẩm có nhiều đạm như thịt, cá bị ôi thiu.

Lưu ý khi dự trữ thực phẩm ngày Tết để đảm bảo sức khỏe

Nhiều năm gần đây, từ những ngày mồng 2 Tết, các siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh đã bán những sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Nhưng do một số nguyên nhân khách quan, bạn vẫn phải tích trữ đồ cho những ngày Tết trong tủ lạnh thì cần lưu ý những điều sau:

Số lượng thực phẩm

Bạn nên lên kế hoạch và mua một lượng vừa phải, phù hợp. Chọn mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và vệ sinh thực phẩm.  Việc vệ sinh sạch sẽ tủ lạnh là vô cùng quan trọng. Tủ lạnh sạch sẽ mới không tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi. Nếu có điều kiện, hãy mua tủ để riêng thực phẩm tươi sống và đã qua chế biến.

Thực phẩm tươi sống

Thịt, cá tươi sống khi mua về cần làm sạch trước và chia nhỏ thành từng bữa bằng cách cho vào hộp, túi nion, sau đó buộc kín, ghi nhãn và cất vào ngăn đá. Khi cần chế biến món ăn nào thì lấy ra rã đông và sử dụng. Sau khi rã đông, thức ăn cần nấu hết.

thuc pham
Phân loại thực phẩm vào túi riêng rồi cất vào tủ lạnh

Rau củ nên nhặt bỏ lá sâu, lá giập, cắt bỏ phần rễ rồi rửa sạch rau, để ráo nước rồi cho vào túi, buộc kín rồi xếp vào ngăn tủ mát.

Trái cây rửa sạch, để ráo, sau đó cho vào túi buộc kín rồi cất vào tủ lạnh. Những loại trái cây không cần bảo quản lạnh như bưởi, cam, chuối… thì có thể bảo quản nơi mát mẻ, sạch sẽ.

Thức ăn nấu chín

Thức ăn đã nấu chín cần để nguội hẳn rồi cho vào hộp đậy kín và cất vào tủ lạnh. Không để chung các loại thức ăn khác nhau trong cùng 1 hộp. Khi cần lấy ra ăn, chỉ lấy phần vừa đủ. Không chế biến quá nhiều, thừa thãi rồi không ăn hết thì cất lại tủ lạnh, đồ ăn hâm đi hâm lại có hại cho sức khỏe.

thuc pham
Đồ ăn chín cần được đựng trong hộp kím và sớm sử dụng

Bánh chưng, bánh tét sau luộc chín, nên rửa lại bằng nước sạch rồi ép bằng vật nặng để bánh ém chặt lại hơn. Cất bánh nơi mát và thoáng gió. Nếu bánh có hiện tượng lại gạo, cứng thì nên luộc hoặc hấp lại. Lưu ý chỉ luộc, hấp lại 1 lần, không làm lại nhiều lần.

Giò chả, nem chua là những loại thực phẩm rất dễ hỏng, thiu nên được bảo quản trong tủ lạnh. Tốt nhất, nên dùng trong vòng 2-3 ngày, không để quá lâu.

Để giữ lạp xưởng được lâu, bạn không nên cho vào tủ lạnh. Hãy chuẩn bị một cái rá, hộp hoặc khay… đặt một cốc rượu trắng vào chính giữa, rồi xếp lạp xưởng xung quanh. Hương rượu tỏa ra sẽ ngăn ruồi, muỗi, kiến rất hiệu quả, nhờ đó lạp xưởng sẽ thơm ngon lâu.

Điều quan trọng nhất bạn cần chủ ý khi tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh là bảo quản thức ăn sống và chín vào những hộp riêng biệt, ở những ngăn riêng. Việc bảo quản kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi sinh sang các món ăn khác.

Cùng chuyên mục