Thứ ba, 20/02/2024, 09:05 (GMT+7)

Ngộ độc botulinum là gì, mức độ nguy hiểm thế nào?

Ngộ độc botulinum là một bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng vì độc tố tấn công vào các dây thần kinh của cơ thể gây khó thở, tê liệt cơ... 

Vi khuẩn C.botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt là các loại thực phẩm đóng hộp như: sữa bột, pho mát, xúc xích, lạp xưởng, thực phẩm lên men yếm khí.

2 bệnh nhi nghi ngộ độc botulinum

Sở Y tế TP.HCM mới đây cho biết đã nhận được báo cáo về 2 trẻ em nghi ngờ ngộ độc botulinum. Trẻ nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 vào ngày 6/2 và 7/2 trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, nôn ra thức ăn. Qua khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn, không loại trừ trẻ bị ngộ độc botulinum toxin nên đã quyết định sử dụng giải độc tố botulinum.

Hiện tình trạng 2 bệnh nhi đã cải thiện. Một bệnh nhi đã cai máy thở và theo dõi tại Khoa Tiêu hóa. Bệnh nhi còn lại tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại Khoa Hồi sức, có dấu hiệu cải thiện tốt. Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhi đến Viện Y tế Công cộng TP.HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.

Ngộ độc botulinum là gì?

ngộ độc
Vi khuẩn Clostridium botulinum

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vi khuẩn Clostridium botulinum (viết tắt C.botulinum) là một loại vi khuẩn gram dương hình que, kỵ khí nên chỉ có thể phát triển trong môi trường thiếu oxy. Độc tố botulinum toxin do vi khuẩn C.botulinum sinh ra.

Vi khuẩn C.botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt là các loại rau củ được bảo quản trong môi trường ít axit như đậu xanh, rau, nấm và củ cải đường, thực phẩm đóng hộp, sữa bột, cá lên men, cá muối và hun khói, và các sản phẩm từ thịt như giăm bông và xúc xích… Các thực phẩm đóng hộp công nghiệp thường sử dụng nitric để ức chế độc tố botulinum. Các thực phẩm đóng hộp được chế biến thô sơ rất dễ nhiễm khuẩn C.botulinum.

Khi ăn phải thực phẩm chứa độc tố botulinum, vi khuẩn sẽ phát triển trong ruột non và sản xuất thêm độc tố. Độc tố này sau đó sẽ xâm nhập vào hệ thần kinh, gây ra tình trạng ngộ độc.

Triệu chứng ngộ độc botulinum

Các triệu chứng ngộ độc botulinum ở trẻ sơ sinh có thể từ nhẹ đến nặng gồm:

  • Sụp mí mắt (ptosis)
  • Chảy nước dãi
  • Tiếng khóc yếu ớt
  • Ăn chậm hoặc ăn kém
  • Giảm phản xạ
  • Táo bón
  • Khó thở

Các triệu chứng ngộ độc botulinum ở trẻ lớn hơn và người lớn thường liên quan đến các cơ trên mặt, mắt và cổ họng. Nếu không điều trị, triệu chứng sẽ lan sang các bộ phận khác trên cơ thể. Các dấu hiệu xuất hiện từ vài giờ đến vài ngày sau khi ăn phải bào tử ngộ độc, gồm:

  • Sụp mí mắt (ptosis)
  • Nhìn đôi hoặc mờ
  • Khô miệng (xerostomia)
  • Nói lắp
  • Khó nuốt
  • Khó thở
  • Yếu hoặc tê liệt cánh tay hoặc chân
  • Buồn nôn và nôn

Ngộ độc botulinum có thể làm tê liệt các cơ, đặc biệt là cơ nuốt và hô hấp. Mặc dù thuốc kháng độc hữu ích trong nhiều trường hợp nhưng vẫn có một số người tử vong vì các vấn đề về hô hấp và nhiễm trùng. Ngoài ra, các biến chứng khác do ngộ độc botulinum gồm:

  • Cực kỳ mệt mỏi
  • Suy nhược lâu dài
  • Khó thở
  • Viêm phổi và nhiễm trùng
  • Các vấn đề về hệ thần kinh

Cách phòng chống ngộ độc do botulinum

Để phòng chống ngộ độc do botulinum, người dân lưu ý những điều sau:

- Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

ngo doc
Chú ý khi sử dụng thực phẩm đóng hộp

- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Không ăn khi thực phẩm đã hết chua.

- Nấu chín kỹ thức ăn

- Làm lạnh thực phẩm trong vòng 2 giờ sau khi nấu. Làm lạnh đúng cách sẽ ngăn vi khuẩn tạo ra bào tử

- Tiệt trùng thực phẩm đóng hộp tại nhà trong nồi áp suất ở 121 độ C (250 độ F) trong 30 phút

- Không cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong.

Cùng chuyên mục