Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 20/07/2023, 11:51 (GMT+7)

Ăn mì chính có suy giảm trí nhớ không, chuyên gia giải thích lời đồn

Mì chính có thực sự là thủ phạm gây ra bệnh tật khiến nhiều người lo ngại hay không, hãy đọc lời giải thích của các chuyên gia.

Thực hư về mì chính là thủ phạm gây các bệnh

Mì chính (bột ngọt) từng có thời điểm được coi là loại "gia vị" quốc dân vì có tác dụng điều vị rất tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều gia đình không còn sử dụng loại gia vị này vì lo ngại chúng có thể gây chóng mặt, buồn nôn và gây suy giảm trí nhớ, thậm chí là gây ung thư

Với thông tin ăn mì chính gây ung thư, TS. Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mì chính chỉ là gia vị thông thường như mắm, muối, tương… và mì chính không gây ung thư như một số người vẫn đồn đại.

mi chinh Tiepthigiadinh H1
Mì chính có gây bệnh như lời đồn đại?

Về thông tin mì chính có thể gây suy giảm trí nhớ, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay: Các tổ chức như JECFA (Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới), EC/SCF (Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung châu Âu)... đã xác nhận rằng mì chính là gia vị chúng ta có thể sử dụng hàng ngày. 

Mì chính là axit glutamate - một axit amin có hầu hết trong các thực phẩm chúng ta ăn mỗi ngày như thịt, cá, trứng, sữa và cả rau củ quả. Sau khi ăn, 95% mì chính sẽ được chuyển hóa tại ruột non, cung cấp năng lượng cho sự hoạt động của ruột non. Dưới 5% mì chính sẽ được chuyển hóa tại gan tạo thành glutamine.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm phân tích, não bộ có hàng rào máu não, không phải chất nào cũng có thể xâm nhập qua hàng rào này vào bên trong não bộ. Glutamate không đi được vào đường tuần hoàn, không vào huyết tương hay hệ thống não bộ. Do đó mọi người có thể yên tâm sử dụng mì chính trong chế biến món ăn mà không cần quá lo về nguy cơ suy giảm trí nhớ.

Tại Việt Nam, Hướng dẫn điều trị dinh dưỡng lâm sàng của Bộ Y tế năm 2015 đã hướng dẫn: Có thể sử dụng bột ngọt, mì chính để tăng vị ngon của những thực phẩm ít muối và hỗ trợ bệnh nhân duy trì chế độ ăn điều trị. Vì thế, các gia đình có thể yên tâm sử dụng, không nên quá bài xích mì chính.

Sử dụng mì chính như thế nào là an toàn?

Theo TS. Trương Đình Bắc, mì chính không gây bệnh nếu biết sử dụng đúng liều lượng và đúng cách. Mì chính có vị ngọt nhưng lại có thành phần chính là natri. Do đó, khi nấu ăn, nếu đã cho mì chính thì nên giảm lượng muối ăn để không dư thừa muối. Dư thừa muối là nguyên nhân gây các bệnh lý tăng huyết áp, tim mạch, ung thư đường tiêu hóa.

Tuyệt đối không nêm mì chính ở nhiệt độ cao, nhiệt độ thích hợp để hòa tan mì chính là 70-90 độ C. Các bà nội trợ hãy cho mì chính vào thức ăn sau khi tắt bếp. Cũng không nên cho mì chính vào các món ăn chua có giấm bởi mì chính không dễ hòa tan trong môi trường axit.

mi chinh Tiepthigiadinh H2
Nên sử dụng mì chính đúng liều lượng và đúng cách

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyên không nên cho trẻ em dưới 1 tuổi sử dụng bất cứ loại gia vị nào, bao gồm cả mì chính. Nên giữ nguyên hương vị món ăn để bé quen dần với hương vị tự nhiên.

Theo Liên đoàn các Hiệp hội Sinh học thực nghiệm Hoa Kỳ (FASEB), một số người nhạy cảm khi tiêu thụ 3g bột ngọt trở lên mà không có thức ăn có thể xuất hiện triệu chứng ngắn hạn như nhức đầu, tê, đỏ bừng, ngứa ran, đánh trống ngực và buồn ngủ. Tuy nhiên, trường hợp đó gần như không thể xảy ra vì một món ăn thông thường chỉ được nêm dưới 0,5g mì chính.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng chia sẻ rằng, mì chính là loại gia vị không hề cung cấp năng lượng. Do đó mọi người cần phải lưu ý xây dựng một chế độ ăn đầy đủ các nhóm chất như chất đạm, chất bột, chất xơ, chất béo, khoáng chất.

Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết, những người có cơ địa quá mẫn cảm nên hạn chế sử dụng mì chính. Việc quá mẫn cảm với mì chính cũng có thể dẫn đến tình trạng gọi là say mì chính.

Cùng chuyên mục