Vì sao trên thớt lại có 1 lỗ khuyết?
Nhiều người không biết công dụng thật sự của lỗ khuyết trên thớt, tưởng chỉ để trang trí.
Thớt là một đồ dùng vô cùng cần thiết trong căn bếp của mỗi gia đình. Hầu như nhà nào cũng sẽ có từ 1-2 cái thớt để cắt đồ sống và đồ chín. Thớt có nhiều kiểu dáng thiết kế với các chất liệu khác nhau nhưng thường có 1 điểm chung là có 1 lỗ khuyết trên thớt. Công dụng của lỗ khuyết này là gì?
Công dụng của lỗ khuyết trên thớt
Dùng để treo lên tường khi không sử dụng nữa
Ai cũng biết đến công dụng này của lỗ khuyết trên thớt và vẫn thường ứng dụng nó. Sau khi sử dụng xong, bạn chỉ cần rửa sạch thớt và treo chúng lên qua lỗ khuyết. Vậy là thớt lại sạch sẽ và khô ráo cho lần sử dụng tiếp theo.
Dồn thức ăn rơi xuống khay đựng
Trên thực tế, cấu tạo đặc biệt của lỗ khuyết trên thớt khi ra đời nhằm phục vụ một mục đích hoàn toàn khác. Bình thường, khi thái thức ăn, đặc biệt là khi thái thành những miếng nhỏ, bạn sẽ ít nhiều gặp khó khăn khi dồn thành phẩm vào khay đựng, bát hay đĩa.
Thức ăn rất dễ rơi rớt ra ngoài và bạn sẽ phải nhặt lại và rửa lại mất thời gian. Nếu bốc tay, nhất là với những thức ăn chín thì khả năng nhiễm khuẩn từ tay là rất cao cũng mất vệ sinh nữa.
Do đó, bạn hãy dùng dao vừa thái xong để dồn thức ăn qua chiếc lỗ để chúng rơi xuống khay hay bát đĩa phía dưới một cách dễ dàng. Phương pháp được cho là hoàn hảo khi áp dụng với những loại thực phẩm được thái hạt lựu hay thịt băm.
Bạn cũng có thể tận dụng lỗ khuyết này để gạt những mẩu vụn, vỏ và các mảnh thừa khi sơ chế rau củ xuống phía thùng rác bên dưới.
Lưu ý khi sử dụng thớt
Ngâm thớt sau khi mua về
Việc này không chỉ làm sạch bề mặt gỗ thớt mà còn làm cho thớt có đủ độ ẩm, thớt sẽ không thấm nước nhiều hay dễ rạn nứt khi sử dụng. Bạn có thể pha dung dịch nước muối theo tỷ lệ 200 gam muối : 1 lít nước để ngâm thớt rồi đem thớt phơi thật khô sau đó mới sử dụng.
Sử dụng thớt riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín
Các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá... sẽ có chứa những vi khuẩn có hại, vì vậy nếu sử dụng thớt chung để thái thực phẩm sống và thực phẩm chín sẽ khiến cho vi khuẩn từ thớt bám vào thực phẩm chín, điều này sẽ làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây tiêu chảy và các bệnh khác.
Vệ sinh thớt sạch sẽ sau khi sử dụng
Vệ sinh thớt gỗ sạch sẽ sau khi sử dụng là một trong những cách giúp thớt bền hơn. Nên dùng nước nóng, muối, kết hợp baking soda và giấm hoặc sử dụng chanh để vệ sinh thớt gỗ sau khi sử dụng. Sau đó, để thớt ở nơi thoáng mát và tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Thay thớt khi cần thiết
Thớt gỗ sau khi sử dụng một thời gian sẽ có những vết xước, vết lồi lõm do quá trình thái, băm thực phẩm. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển do thức ăn thừa còn sót lại bám vào. Nên thay thớt khoảng 6-8 tháng/lần hoặc khi thớt quá cũ, có nhiều vết cắt, xước.