Thứ hai, 08/07/2024, 12:38 (GMT+7)

Vì sao nhà đầu tư không nên 'chôn' vốn quá nhiều vào vàng lúc này?

Các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên có vàng trong danh mục, nhưng là vàng nhẫn bởi đây là sản phẩm an toàn, biến động sát với thế giới, trong khi vàng miếng phải chịu quản lý của chính sách. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ nên giữ tỷ trọng thấp, không nên chôn vốn quá nhiều vào vàng.

Vàng nhẫn là “quán quân”

Trong phiên giao dịch hôm nay 8/7, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 75,65 - 76,95 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào - bán ra so với cuối phiên giao dịch ngày 6/7, theo Thương Trường.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá nhẫn tròn trơn 74,6 - 76,3 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Công ty Bảo Tín Minh Châu tăng giá vàng nhẫn tròn trơn 600.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch trước đó, lên mức 75,38 - 76,68 triệu đồng/lượng.

Đà tăng của giá vàng nhẫn tròn trơn xuất phát từ việc giá vàng thế giới liên tiếp tăng trong các phiên giao dịch vừa qua. Nhiều năm nay, giá vàng nhẫn tròn trơn trong nước tương đương giá vàng thế giới. Vì vậy, giá vàng thế giới tăng mạnh khiến giá vàng nhẫn tròn trơn trong nước tăng theo.

Giá vàng miếng SJC vẫn được các doanh nghiệp và ngân hàng quốc doanh niêm yết 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Giá vàng SJC giữ mức thấp nhưng người dân khó mua vàng. Doanh nghiệp vàng đều hết vàng SJC bán ra, các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC chỉ nhận đăng ký mua vàng trực tuyến và qua tin nhắn điện thoại.

Nhận xét về diễn biến của thị trường vàng trong thời gian qua, tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm” vừa diễn ra, ông Trần Ngọc Báu, CEO một công ty tài chính cho hay, trong 6 tháng đầu năm vàng nhẫn là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất trong số các kênh: cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ, tiền gửi, trái phiếu chính phủ.

vàng 2

Chỉ nên giữ tỷ trọng thấp

Theo ông Báu, “mùa xuân đẹp nhất của vàng đã đi qua nhưng sẽ có làn gió xuân mới thổi về”. Đơn cử như câu chuyện ngân hàng trung ương các nước có thể tích thêm vàng trước sức ép về sự thay đổi đồng tiền dự trữ hay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất…sẽ là động lực cho giá vàng trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Hoàng Phương – chuyên gia tài chính, Cố vấn Quản lý gia sản Công ty CP FDIT cho rằng, vàng vẫn còn cơ hội. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên tập trung vào vàng nhẫn bởi diễn biến theo sát với giá vàng thế giới, trong khi vàng SJC đang phải giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách.

Cũng theo ông Phương, nếu thống kê 10 năm gần đây, vàng được xem là kênh rủi ro cao nhưng đem lại lợi nhuận thấp bởi trong một chu kỳ kinh tế kéo dài, lạm phát thấp thì vàng không phát huy được giá trị của mình. Tuy nhiên, tính trong chu kỳ 50 năm thì câu chuyện hoàn toàn khác vì xảy ra nhiều giai đoạn lạm phát cao, rủi ro địa chính trị tăng, như vậy vàng sẽ phát huy lợi thế.

Tương tự, ông Tạ Thanh Tùng – Trưởng phòng nghiên cứu và tư vấn bất động sản FDIT khuyến nghị nhà đầu tư vẫn nên có vàng trong danh mục nhưng tỷ trọng chỉ khoảng 5% vì đây là tài sản phòng thủ. Trong ngắn hạn, vàng vẫn còn dư địa tăng trưởng nhưng không còn quá nhiều trong 6 tháng cuối năm 2024. Về mặt dài hạn, các tài sản khác hấp dẫn hơn để nắm giữ.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, vàng là tài sản nên nắm giữ khi có những bất ổn về kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, giai đoạn bất ổn nhất đã qua nên dư địa để giá vàng tăng hơn nữa không còn nhiều.

Mặc dù thời điểm này sự bất ổn không phải đã kết thúc hoàn toàn nhưng chỉ khi nó bùng phát vàng mới tăng mạnh. Trong giai đoạn tới, vàng chỉ nên là kênh phòng thủ, đề phòng trường hợp có những cuộc khủng hoảng khác, không nên "chôn" vốn quá nhiều vào vàng.

Cùng chuyên mục