Vài mẹo giúp giảm nghẹt mũi ngay tức thì
Nghẹt mũi, sổ mũi là tình trạng thường gặp trong mùa lạnh. Một vài cách giảm nghẹt mũi nhanh chóng có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Làm sạch mũi và xông mũi
Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, để một lát rồi xì sạch mũi ra ngoài giúp đường thở của bạn thông thoáng, dễ chịu. Làm vài lần trong ngày.
Khi bị nghẹt mũi, bạn có thể hít hương dầu khuynh diệp hoặc xông mũi bằng nước nóng hòa với muối để giúp giảm nhẹ triệu chứng.
Uống một số loại nước
Nước mật ong chanh
Pha mật ong chanh với nước ấm sẽ nhanh chóng loại bỏ tắc mũi và chống ho, chống viêm, chống khuẩn.
Trà gừng
Một nghiên cứu cho thấy, sử dụng liều 500mg chiết xuất gừng hàng ngày cũng có hiệu quả tương đương với thuốc kháng histamin như loratadin, giảm thiểu tình trạng nghẹt mũi và cải thiện chất lượng đời sống của bệnh nhân.
Nước lọc
Theo các nhà nghiên cứu, những người sử dụng đồ uống ấm nóng giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi... hơn so với nhóm còn lại. Do đó, bạn nên duy trì đủ 1,5-2l nước mỗi ngày để cấp nước đủ cho cơ thể và làm loãng cũng như tống chất nhầy ra khỏi mũi dễ dàng hơn.
Ngậm kẹo, viên ngậm bạc hà
Trong bạc hà có tính chất cay với những chất làm thông mũi tự nhiên, làm loãng chất nhầy trong mũi của bạn giúp thông mũi, mát họng, giảm viêm và ngạt mũi. Bạn có thể sử dụng viên ngậm có tinh chất bạc hà hoặc pha một cốc trà bạc hà bằng cách hãm 1 ít lá bạc hà tươi với nước sôi trong 10 phút. Uống tối đa 3 lần/ngày giúp mũi thông, thoải mái, người dễ chịu hơn.
Ăn đồ cay
Capsaicin có trong đồ cay nóng có thể giảm viêm, giảm nhạy cảm các màng nhầy trong mũi. Từ đó, có thể giúp giảm tình trạng nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi không phải do dị ứng. Tuy nhiên, biện pháp này không khuyến khích với người bị đau dạ dày vì có thể khiến tình trạng dạ dày trở nên trầm trọng hơn.
Massage mũi
Cách 1: Nếu bị nghẹt mũi trái hãy nằm nghiêng về phía bên phải và ngược lại. Dùng ngón trỏ bấm vào huyệt gọi là nghinh hương ở hai bên cánh mũi, vài phút sau bạn sẽ thấy hiệu quả ngay.
Cách 2: Lấy ngón cái và ngón trỏ hoặc hai nhón trỏ vuốt nhẹ nhàng lên sống mũi. Thực hiện như vậy nhiều lần trong ngày cho đến khi bạn có thể thở dễ dàng.
Chườm khăn ấm
Chườm ấm là phương pháp sử dụng một miếng gạc ấm có thể giúp dịu cơn đau, làm nghẹt mũi bằng cách giảm viêm và mở đường mũi từ bên ngoài.
Để thực hiện bạn chuẩn bị một miếng vải hoặc khăn nhỏ thực hiện một trong 2 cách sau:
Cách 1: Chườm trán
- Ngâm miếng vải giặt hoặc khăn trong nước ấm
- Vắt nước thừa từ miếng vải và gấp lại
- Đặt khăn lên mũi trên và trán dưới của bạn
- Tránh giữ hơi ấm trên mặt quá lâu để giảm nguy cơ bỏng rát da
Cách 2: Chườm tai
Trước khi đi ngủ, bạn lấy khăn thấm nước nóng đặt ở hai tai trong vòng khoảng 10-15 phút. Nó sẽ làm chứng ngạt mũi dịu đi. Những dây thần kinh nhỏ xíu ở tai có tác dụng điều tiết máu ở mũi, khi gặp nhiệt độ cao, huyết quản sẽ giãn ra và giúp thông lỗ mũi.
Tắm nước ấm
Khi thấy nghẹt mũi nhiều, khó chịu nên tắm nước nóng. Hơi nước nóng sẽ giúp làm giảm triệu chứng này.
Ngủ kê cao gối
Khi bị nghẹt mũi, hãy gối cao hơn bình thường một chút, sao cho cổ và đầu bạn tạo thành góc 15 độ chênh với giường, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
Làm sạch không khí trong nhà
Dị ứng với không khí bẩn từ vật nuôi trong nhà, bụi bẩn cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng nghẹt mũi. Bạn có thể sử dụng máy lọc không khí để làm sạch không khí trong nhà, đồng thời đặt máy phun hơi nước để đảm bảo đủ độ ẩm không khí trong nhà bạn.
Lưu ý khi trị nghẹt mũi tại nhà
Tình trạng nghẹt mũi sẽ giảm khi bạn áp dụng những cách trên nhưng không nên lạm dụng. Nếu nghẹt mũi kéo dài một tuần kèm theo các triệu chứng như sốt cao, chảy máu mũi, thở khò khè hoặc khó thở... Hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị kịp thời, tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm về mũi.
- Số lượng trẻ mắc cúm A tăng cao, cha mẹ phòng tránh cho con thế nào?
- Cha mẹ cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ bị cúm?
- Dịch bệnh hô hấp gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng, chống
- Mờ mắt, hỏng gan vì biến chứng ngộ độc rượu
- Ăn nghệ và đường thốt nốt vào mùa đông có tốt không?
- Làm thế nào để tránh bị giật tĩnh điện mùa đông?
- Lỡ quát mắng con nặng lời, cha mẹ cần xử lý thế nào?
- Khám phá cách người cha dạy con trai 18 tuổi trở thành kỹ sư Google
- Chiên rán thức ăn không bị bắn dầu với các mẹo nhỏ sau