Thứ hai, 21/10/2024, 08:05 (GMT+7)

Túi xách, giày dép giả mạo nhãn hiệu tràn ngập mạng xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng có trách nhiệm gì?

Không phải mất thời gian đi đến các cửa hàng, không phải chờ đợi thanh toán…, chỉ cần ở nhà truy cập internet là người tiêu dùng có thể đặt mua món đồ mong muốn. Tuy nhiên, mua hàng qua mạng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, do có không ít tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến quảng cáo không đúng về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa để trục lợi.

Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “đánh cắp” thị phần của các doanh nghiệp chân chính

Mặc dù cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng vẫn còn phổ biến trên thị trường, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường.

Đáng quan ngại hơn, nhiều đối tượng lợi dụng các trang thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Shopee, Tiktok... để livestream, quảng cáo bán hàng. Thậm chí sử dụng các địa điểm kinh doanh là các nhà dân trong khu dân cư, các căn hộ trong các khu chung cư... khiến các cơ quan chức năng rất khó xác định địa điểm kinh doanh.

Đơn cử, mới đây, qua quá trình theo dõi thu thập thông tin trên môi trường mạng xã hội Facebook, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Trị phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh shop T.C (địa chỉ tại phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) hoạt động dưới hình thức kết hợp kinh doanh trực tiếp và trực tuyến trên mạng xã hội, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường.

hàng giả mạo nhãn h
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại shop T.C. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 365 sản phẩm thời trang bao gồm balo, túi xách, giày, dép… giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci, Louis Vuitton… và không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng gần 90 triệu đồng. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các loại hàng hóa nêu trên.

Trước đó, Đội QLTT số 1 Cục QLTT tỉnh Quảng Trị cũng phát hiện, xử lý hơn 1.400 sản phẩm hàng hóa ví da, balo và túi xách các loại gắn nhãn hiệu Gucci, Chanel, Dior, Saint Laurent, Louis Vuitton... giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam và 460 máy tính bảng không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng giá trị trên 400 triệu đồng đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.

Ngày 10/10, thông tin từ Công an tỉnh Long An cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can để điều tra về tội sản xuất hàng giả. Cụ thể, 2 bị can bị bắt giam gồm: Trương Thế An (30 tuổi, thường trú TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) và Hoàng Văn Hưng (19 tuổi, thường trú huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). Đối tượng còn lại bị áp dụng cấm đi khỏi nơi cư trú là Nguyễn Gia Hạo (16 tuổi, thường trú huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh).

Cụ thể, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Long An phát hiện shop chuyên kinh doanh, buôn bán dầu gió nhãn hiệu nước ngoài (Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc) trên sàn thương mại điện tử Shopee có tên “Mũm Shop - Chuyên Dầu Gió” với khoảng 3.200 người theo dõi, có dấu hiệu buôn bán hàng giả.

Đồng thời xác định một nhóm đối tượng quê quán ngoài tỉnh đang thuê nhà tại xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An có hành vi sản xuất dầu gió giả mạo nhãn hiệu với số lượng lớn.

Lúc 22h15 tối 27/9, lực lượng Công an bắt quả tang các đối tượng An, Hưng và Hạo đang thực hiện hành vi sản xuất dầu gió giả mạo nhãn hiệu "Eagle Brand Medicated Oil”. Công an thu giữ tang vật gần 30.000 chai dầu giả các loại cùng nhiều nguyên vật liệu, máy móc phục vụ cho việc sản xuất hàng giả, gồm: 110.000 vỏ chai dầu; 1,8 tấn vỏ hộp dầu; 630 chai dầu đã chứa nước dầu chưa đóng nắp chai; 183kg tem dán; 217kg giấy hướng dẫn sử dụng; 184kg màng co...

Qua làm việc, Trương Thế An thừa nhận vai trò tổ chức, là người trực tiếp mua nguyên liệu gồm các loại hóa chất, hương liệu để phối trộn theo tỷ lệ thích hợp và bơm vào chai làm dầu gió giả.

Tương tự, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ra quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Cao Cường vì đã trưng bày, bán hàng hóa là giầy, dép giả mạo nhãn hiệu tại địa chỉ số nhà 53 – 55 đường Cao Thắng, phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa.

Trước đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra tại hộ kinh doanh Nguyễn Cao Cường ở số nhà 53 -55 Cao Thắng, phường Lam Sơn, phát hiện hộ kinh doanh này trưng bày để bán hàng hóa là giầy, dép giả mạo nhãn hiệu các nhãn hiệu lớn như NIKE, ADIDAS, GUCCI, CHANEL, MLB, LOUIS VUITTON.

Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng này bày bán 127 đôi giày, 203 đôi dép với tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 67,6 triệu đồng. Hộ kinh doanh bị áp dụng tình tiết tăng nặng do vi phạm tái phạm. Trước đó, vào tháng 10/2023, hộ kinh doanh Nguyễn Cao Cường cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Do vậy, hộ kinh doanh này đã bị xử phạt 50 triệu đồng và buộc tiêu huỷ toàn bộ số hàng hóa là giầy, dép giả mạo nhãn hiệu...

Cần sự chung tay của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng

Tình trạng buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, triệt đường phát triển của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và gián tiếp đánh mất “lợi thế” thị trường, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Dù vậy, kiểm soát vấn nạn này vẫn là câu chuyện dài và cần sự vào cuộc đồng bộ, thực chất hơn.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 (thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010), quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng.

Quy định mới được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực, hiệu quả hơn trong việc kiểm soát vấn nạn hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái, đồng thời tạo thêm động lực để thúc đẩy, hoàn thiện môi trường tiêu dùng an toàn, chất lượng, tăng sức cạnh tranh để các doanh nghiệp có thể phát triển và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch hơn cho người tiêu dùng.

Nhằm bảo đảm và nâng cao vai trò, vị trí của người tiêu dùng trong xu hướng tiêu dùng mới, Luật bổ sung một số quyền mới của người tiêu dùng như quyền được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh.

Cùng với đó, nhằm cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, Luật bổ sung một số nghĩa vụ như tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật mới này cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng; quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa; bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

Luật này cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung các hình thức giao dịch mới như: livestream, thương mại điện tử xuyên biên giới... Trách nhiệm của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, người bán hàng... được xác định cụ thể, giúp xác định và xử lý vi phạm dễ dàng hơn.

Cùng đó, hành lanh pháp lý đã được hoàn thiện và chặt chẽ hơn, tuy nhiên để công tác chống hàng giả, hàng nhái đạt hiệu quả cao có lẽ quan trọng nhất là cần có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội.

Ngoài công tác kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh” của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Người tiêu dùng cũng cần nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vì quyền lợi của bản thân và xã hội, nhất là tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái.

Cùng chuyên mục