Điều tra vụ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Unilever Việt Nam tại Quảng Nam, nhập từ tổng kho qua mạng xã hội
Đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam khẳng định, toàn bộ 11.928 sản phẩm dầu gội đầu, dầu xả, kem đánh răng… bị thu giữ tại Quảng Nam không phải hàng hóa do doanh nghiệp này sản xuất hay cho phép tổ chức, cá nhân nào sản xuất.
Chuyển cơ quan điều tra 3 vụ kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu trên mạng xã hội
Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thông tin, liên quan đến toàn bộ lô hàng Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Nam phát hiện và thu giữ trên địa bàn huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), đến nay đã được chuyển giao cho Cơ quan điều tra Công an huyện Núi Thành tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo Cục QLTT tỉnh Quảng Nam, trước đó, qua việc nắm bắt tình hình kinh doanh tại địa phương, lực lượng chức năng đã phát hiện kho hàng có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Sau khi tiến hành triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát hoạt động bán hàng, ngày 24/7, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh Quảng Nam) phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Núi Thành tiến hành khám xét tang vật trước nhà nghỉ Xuân Duyên, Quốc lộ 1A (thôn Tam Mỹ, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Tại hiện trường, tang vật gồm 4 bao tải và 5 thùng caton chứa nhiều hàng hóa. Kết quả khám xét, lực lượng chức năng phát hiện bên trong chứa 11.928 sản phẩm dầu gội đầu, dầu xả, bột giặt, kem đánh răng, dầu xả vải mang các nhãn hiệu CLEAR, SUNSILK, DOVE, OMO, P/S, CLOSE UP, COMFORT của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đang được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam. Trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi nhận sản phẩm của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (địa chỉ lô A2-3, KCN Tây bắc Củ Chi, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TPHCM).
Qua xác minh được biết, toàn bộ hàng hoá thuộc quyền sở hữu của bà T.T.T (địa chỉ tại xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An) đặt mua trên mạng xã hội Facebook (có tên Tổng Kho Nước Giặt) về để bán lại kiếm lời. Cơ quan chức năng nhận định, toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu; giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam. Tổng trị giá hàng hoá vi phạm là hơn 30,6 triệu đồng.
Tiếp tục làm việc với đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu là Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam cho biết, số hàng hóa trên không phải là hàng hóa do công ty sản xuất hay cho phép tổ chức, cá nhân nào sản xuất. Trên cơ sở đánh giá, phân loại vụ việc, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh Quảng Nam) xác định vụ việc có dấu hiệu phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, nên đã bàn giao vụ việc cho Cơ quan điều tra Công an huyện Núi Thành tiếp nhận, thụ lý theo thẩm quyền.
Tương tự, lực lượng QLTT tỉnh Hải Dương và Bắc Giang cũng vừa bàn giao cơ quan điều tra làm rõ để xử lý theo quy định phát luật vụ việc buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.
Cụ thể, trước đó, ngày 11/7, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Hải Dương chủ trì phối hợp cùng với lực lượng Công an tỉnh Hải Dương, Công an huyện Tứ Kỳ tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh dép do ông T.V.H làm chủ (địa chỉ tại xóm 14, thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).
Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đang buôn bán 8.500 đôi dép (gồm 8.100 đôi dép sục gắn quai hậu, 400 đôi dép xỏ ngón) mang nhãn hiệu “CROCS” không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp kèm theo, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu "CROCS" đang được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam. Tổng trị giá hàng hoá vi phạm là hơn 916 triệu đồng. Toàn bộ hàng hoá có dấu hiệu giả mạo sau đó bị tạm giữ để xác minh, làm rõ.
Trên cơ sở kết quả họp liên ngành xác định vụ việc có dấu hiệu tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 226 Bộ luật Hình sự, Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã bàn giao vụ việc cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hải Dương tiếp nhận, thụ lý.
Trong khi đó, tại Bắc Giang, do vụ việc vi phạm có số lượng và trị giá hàng hoá lớn, có dấu hiệu tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, lực lượng QLTT tỉnh Bắc Giang đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc, tang vật vi phạm đến Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) để điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Theo đó, lực lượng QLTT tỉnh Bắc Giang tiến hành khám kho hàng của bà P.T.N.A (địa chỉ tại số 931 tổ dân phố Dốc Đồn, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). Kết quả khám xét, đoàn kiểm tra đã phát hiện trong kho đang cất giấu 23.405 đơn vị sản phẩm hàng hoá là quần, áo, giầy, dép, túi, mũ... các loại giả mạo nhãn hiệu Adidas, Burberry, Calvin Klein, D&G, Gucci, Hermes, Lacoste, Louis Vuitton, Nike..., với tổng giá trị hàng hoá vi phạm trên 1,4 tỷ đồng. Cùng đó, có 490 đơn vị sản phẩm hàng hóa là quần sooc, áo phông, dép không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với tổng giá trị hơn 38,5 triệu đồng. Thời điểm kiểm tra, đại diện chủ kho hàng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ gì liên quan đến số hàng hóa này.
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử lý hình sự thế nào?
Theo khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 2019 và 2022), quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cá nhân được quy định, xử phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm đối với người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với các trường hợp sau đây: Có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500 triệu đồng trở lên; hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng nếu thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2 – 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm. Mặt khác, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 – 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.
- Tràn lan hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng nhập lậu, chế tài kiểm soát thế nào?
- Thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Samsung, Apple: Quy định xử lý ra sao?
- Giả mạo nhãn hiệu Chanel, loạt doanh nghiệp kinh doanh vàng bị phạt nặng
- Trước lô dược liệu Hà thủ ô vi phạm chất lượng mức độ 2, Dược liệu Việt Nam từng bị thu hồi lô thuốc nào?
- Vi phạm chất lượng mức độ 2, loạt doanh nghiệp kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền bị điểm tên
- Vi phạm chất lượng, 2 lô vị thuốc cổ truyền của Công ty CP dược liệu Việt Nam buộc phải thu hồi, tiêu hủy