Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 16/06/2024, 06:00 (GMT+7)

Giả mạo nhãn hiệu Chanel, loạt doanh nghiệp kinh doanh vàng bị phạt nặng

Theo cơ quan chức năng, một số sản phẩm trang sức gắn nhãn hiệu Chanel do doanh nghiệp bày bán không có thông tin của đơn vị sản xuất hoặc đơn vị nhập khẩu; nhãn hiệu của Chanel ghi trên sản phẩm không sắc nét, không đúng theo tiêu chuẩn nhãn hàng hóa chính hãng, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu…

Liên tiếp xử lý nhiều doanh nghiệp bán vàng giả mạo nhãn hiệu

Thông tin trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) ngày 14/6 cho hay, Công ty TNHH thương mại vàng bạc Kim Chung (địa chỉ tại 219 Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vừa bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt 205 triệu đồng, do đã có hành vi vi phạm hành chính là trưng bày để bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.

Theo đó, ngày 9/4/2024, khi kiểm tra cửa hàng của công ty này, lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp đã trưng bày để bán lắc kim loại màu vàng, màu trắng giả mạo các nhãn hiệu: Chanel, Versace, Dior, Christian Dior, Hermes, Louis Vuitton. Trị giá tang vật vi phạm là hơn 195 triệu đồng. Cùng với phạt tiền, Công ty TNHH thương mại vàng bạc Kim Chung còn bị đình chỉ một phần hoạt động kinh doanh lắc kim loại màu vàng, màu trắng trong thời hạn 2 tháng; buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo nhãn hiệu sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hoá.

vangvinhphuc
Lực lượng chức năng phát hiện Doanh nghiệp tư nhân Hân Hoan bày bán công khai nhiều sản phẩm vàng giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường.

Tương tự, cũng với hành vi vi phạm trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, Doanh nghiệp tư nhân Hân Hoan (địa chỉ tại khu phố 1, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Phúc xử phạt 32 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra ngày 23/4, Doanh nghiệp tư nhân Hân Hoan đang trưng bày để bán 9 chiếc mặt dây chuyền làm từ kim loại màu trắng bạc có gắn nhãn hiệu Chanel, 4 chiếc mặt dây chuyền làm từ kim loại màu vàng có gắn nhãn hiệu Chanel, 9 chiếc nhẫn đeo tay làm từ kim loại màu trắng bạc có gắn nhãn hiệu Chanel.

Cùng đó, thông tin trên các sản phẩm có gắn nhãn hiệu được cách điệu hình logo Chanel và được in trực tiếp lên sản phẩm không thể tách rời hàng hóa. Các sản phẩm này không có thông tin của đơn vị sản xuất hoặc đơn vị nhập khẩu; nhãn hiệu của Chanel ghi trên sản phẩm không sắc nét, không đúng theo tiêu chuẩn nhãn hàng hóa chính hãng; không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Hay, ngày 15/5, một doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn TP Đồng Hới (Quảng Bình) cũng bị xử phạt 205 triệu đồng và đình chỉ một phần hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm với thời hạn 2 tháng, do trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Theo Cục QLTT tỉnh Quảng Bình, doanh nghiệp đã trưng bày để bán 45 đơn vị sản phẩm trang sức các loại gồm 26 cái nhẫn, 10 mặt dây chuyền, 4 vòng tay, 4 đôi bông tai, 1 lắc tay không rõ xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Chanel đang được bảo hộ tại Việt Nam, có giá trị 195,9 triệu đồng. Lực lượng QLTT đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để xác minh, làm rõ. Kết quả xác minh, toàn bộ số hàng hóa trang sức nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel đang được bảo hộ tại Việt Nam.

vangbacninhthuan
Lực lượng QLTT tỉnh Ninh Thuận kiểm tra Công ty TNHH Kinh doanh vàng trang sức H-L - H-L 4 (TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm kinh doanh vàng bạc giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận.

Tiếp đó, với hành vi vi phạm kinh doanh vàng bạc giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, Công ty TNHH Kinh doanh vàng trang sức H-L - H-L 4 (địa chỉ tại số 653 - 655 Thống Nhất, phường Kinh Dinh, TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã bị UBND tỉnh Ninh Thuận xử phạt 90 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Trước đó, ngày 13/5, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận phát hiện doanh nghiệp đang trưng bày để bán 1 còng Ximen gắn nhãn hiệu Chanel, 1 còng vuông khứa gắn nhãn hiệu Chanel, 1 nhẫn hột trắng + gét gắn nhãn hiệu Chanel, 1 lắc miếng khứa bọng gắn nhãn hiệu Chanel. Thông tin trên các sản phẩm có gắn nhãn hiệu được cách điệu hình logo Chanel và được in trực tiếp lên sản phẩm không thể tách rời hàng hóa. Các sản phẩm này không có thông tin của đơn vị sản xuất hoặc đơn vị nhập khẩu; nhãn hiệu của Chanel ghi trên sản phẩm không sắc nét, không đúng theo tiêu chuẩn nhãn hàng hóa chính hãng.

vangbacninhthuan2
Sản phẩm mang nhãn hiệu của Chanel nhưng không có bao hộp đóng gói, không đúng tiêu chuẩn của Chanel; nhãn hiệu, thông tin in trên sản phẩm sai hoặc thiếu thông tin. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận.

Ở diễn biến liên quan, mới đây, Cục QLTT tỉnh Long An cũng ban hành quyết định xử phạt đối với 2 doanh nghiệp trên địa bàn TP Tân An do vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng với tổng số tiền xử phạt là 139,7 triệu đồng. Cả hai doanh nghiệp có cùng hành hành vi vi phạm, sản xuất hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Mặt khác, một doanh nghiệp vi phạm thêm về hành vi sản xuất thiết kế, chế tạo hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo.

Ngoài phạt tiền, 2 doanh nghiệp vi phạm trên còn bị buộc nộp lại số tiền bằng trị giá hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ trái quy định pháp luật là 565,1 triệu đồng. Ngoài ra, một doanh nghiệp bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất mặt dây chuyền vàng trang sức trong thời hạn 2 tháng…

Tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ gồm những nội dung gì?

Theo quy định tại khoản 10 Điều 6 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN yêu cầu chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ quy định, vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Cụ thể, căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN về công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ quy định, tiêu chuẩn công bố áp dụng là tập hợp các thông số kỹ thuật và thông tin bắt buộc theo quy định tại Thông tư này hoặc nội dung cần thiết khác về sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ tự công bố (dựa trên tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn cơ sở).

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 7 Thông tư này cũng quy định, tiêu chuẩn công bố phải bao gồm các nội dung cơ bản như sau:

a) Thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối:

- Tên hàng hóa (ví dụ: lắc đeo tay, dây chuyền, nhẫn vàng, nhẫn đính kim cương…);

- Tên, địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân sản xuất, hoặc nhà phân phối đại diện cho thương hiệu của sản phẩm;

- Nhãn hiệu hàng hóa, mã ký hiệu sản phẩm;

- Số giấy đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp, đăng ký nhãn hiệu... (nếu có);

b) Yêu cầu kỹ thuật:

- Khối lượng vàng hoặc thành phần hợp kim có chứa vàng của sản phẩm và khối lượng của vật gắn trên vàng trang sức, mỹ nghệ (ví dụ: kim cương, saphia, ruby...);

- Hàm lượng vàng (tuổi vàng) (ví dụ 999 hoặc 99,9% hoặc 24K) trong thành phần của sản phẩm (hoặc trong phần hợp kim chủ yếu của sản phẩm nếu có nhiều hơn một thành phần);

- Các mô tả đặc điểm riêng của vàng trang sức, mỹ nghệ:

+ Kiểu dáng, kích cỡ;

+ Vật liệu gắn trên vàng (ví dụ: đá quý);

+ Sản phẩm là vàng nguyên khối, đồng nhất;

+ Sản phẩm là kim loại nền khác được bọc hoặc mạ vàng kèm theo thông tin về kim loại nền;

+ Vật liệu hàn, vật liệu kết dính...(nếu có sử dụng theo quy định tại Điều 6 Thông tư này);

+ Sản phẩm có phần đúc rỗng không nhồi, làm đầy hoặc được nhồi, làm đầy bằng vật liệu khác kèm theo thông tin về vật liệu nhồi, làm đầy;

+ Sản phẩm vàng có nhiều thành phần khác nhau và thông tin cụ thể;

+ Phương pháp (đúc, thủ công, tự động).

- Cam kết về việc không sử dụng các chất độc hại cho sức khỏe của người sử dụng trong sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phù hợp với các quy định hiện hành có liên quan.

c) Ghi ký hiệu đối với vàng trang sức, mỹ nghệ:

- Ký hiệu “G.P” nếu sản phẩm là vàng bọc, phủ, mạ trên kim loại nền khác;

- Ký hiệu “G.F” nếu sản phẩm được nhồi hay làm đầy chỗ trống bằng vật liệu khác và không phải toàn bộ vật phẩm được sản xuất từ vàng hay hợp kim vàng với cùng phân hạng độ tinh khiết;

- Ký hiệu “C” nếu sản phẩm có lớp phủ mỏng bằng vật liệu phi kim loại và trong suốt;

- Ký hiệu “P” nếu có lớp phủ mỏng bằng kim loại hay hợp kim khác không chứa vàng;

- Nếu sản phẩm là vàng được phủ trên nền hợp kim khác hoặc vật liệu khác bằng các phương pháp khác nhau (phủ, dán, cuốn, bọc, mạ...) với tổng lượng vàng (tính theo vàng nguyên chất) từ 1/40 khối lượng của vật phẩm trở lên, cần phải ghi thêm tỷ lệ của lượng vàng so với tổng khối lượng của vật phẩm kèm theo các ký hiệu G.P hoặc G.F nêu trên (ví dụ: 1/40 G.P 24K, 1/20 G.F 18K...).

d) Thông tin khác (nếu có để làm rõ về sản phẩm hoặc để tránh gây hiểu nhầm).

Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, quy định xử phạt sao?

Căn cứ Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu như sau: Phạt tiền từ 4 - 8 triệu đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5 triệu đồng đối với hành vi bán, chào hàng, vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.

Tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm, người có hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 250 triệu đồng. Cùng đó, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm. Đồng thời, cơ sở vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định, mức phạt tiền trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, tối đa là 250 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, tối đa là 500 triệu đồng.

Theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Trong đó, hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1 triệu đồng và mức cao nhất là 50 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 Nghị định này). Còn đối với hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, bao bì hàng hóa, mức xử phạt cũng tương tự hành vi buôn bán nêu trên (Điều 12 Nghị định này).

Cùng đó, phạt tiền gấp 2 lần các mức tiền phạt quy định đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây: Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Ngoài ra, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 Bộ luật Hình sự) hoặc tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 Bộ luật Hình sự).

Cùng chuyên mục